Ngành Tự động hóa có 8 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024 |
TS. Phùng Xuân Lan - nữ ứng viên phó giáo sư duy nhất ngành cơ khí năm 2024 |
Phát biểu khai mạc buổi lễ PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc trao quyết định công nhận chức danh cho 23 Giáo sư, Phó Giáo sư là cán bộ, giảng viên đang giảng dạy tại trường, trong ngày Nhà giáo Việt Nam, là sự kiện lớn, ghi dấu những thành tựu đáng tự hào của nhà trường trong “Chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025”.
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đã bước vào giai đoạn cuối của chiến lược phát triển (giai đoạn 2017-2025) và đang sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, vật lực, công nghệ cho chiến lược phát triển giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2050.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khai mạc buổi lễ (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Nhà trường đã thực hiện tốt 5 mục tiêu chiến lược, được cụ thể hóa qua 10 nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng 32 chỉ số đánh giá, đo lường, xác định định lượng thành công của từng mục tiêu vào thời điểm 2025. Theo đó, trong mấy năm học qua, Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng 7 nhiệm vụ của năm học, đưa các chỉ số định lượng cho từng nhiệm vụ và các đơn vị trong trường đã hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện, đăng ký giao kết các chỉ số. Đến tháng 01/2025 nhà trường sẽ hoàn thiện báo cáo các chỉ số chiến lược.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định được vị thế, uy tín trong ngành giáo dục trong nước về chất lượng sinh viên, về đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng quản trị, chuyển đổi số toàn diện trong tổ chức và đào tạo; thay đổi mục tiêu tuyển sinh, tuyển đúng, đủ được sinh viên giỏi cho 30 ngành khó, để cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành.
Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao quyết định công nhận chức danh cho 23 Giáo sư, Phó giáo sư , với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, và hàng trăm sinh viên của nhà trường (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Để đáp ứng được các mục tiêu chiến lược, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường luôn đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức mới, công nghệ hiện đại, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các phương pháp giảng dạy và học tập; nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.
Trao quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho 23 cán bộ, giảng viên
Trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa trân trọng trao quyết định công nhận chức danh cho 23 Giáo sư, Phó giáo sư, là cán bộ, giảng viên đang công tác tại trường.
23 Giáo sư, Phó Giáo sư nhận quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024 (Ảnh Phong Nguyễn) |
Ngành Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội có 01 Giáo sư, 02 Phó giáo sư được trao quyết định công nhận chức danh trong khuôn khổ buổi lễ.
Tân Giáo sư Trần Hoài Linh (sinh năm 1974) tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Tin học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa Vác-sa-va (Cộng hòa Ba Lan) năm 1997. Năm 2000, ông nhận thêm bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tại trường này và năm 2005, ông bảo vệ xong TSKH ngành Kỹ thuật điện và Trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2007, ông được công nhận là Phó giáo sư ngành Điện. Tháng 6/2003, Giáo sư Trần Hoài Linh tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trải qua hơn 20 năm giảng dạy, nghiên cứu, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác. Hiện, ông là Trưởng nhóm Lý thuyết mạch – trường điện từ, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội trao quyết định công nhận chức danh cho Giáo sư Trần Hoài Linh, Trường Điện – Điện tử , Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hường (sinh năm 1984). Năm 2007, cô Hường là giảng viên tập sự Bộ môn Kỹ thuật Đo và Tin học công nghiệp, Khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội; Từ 09/2008 đến 08/2010 cô học Thạc sĩ tại Đại học Twente; Từ 11/2010 đến 11/2014, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Grenoble. Từ 01/2015 đến nay, cô Hường giảng dạy tại Khoa Đo và Tin học công nghiệp (Viện Điện) và Khoa Tự động hóa (Trường Điện – Điện tử), Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện, cô giữ chức Giám đốc các chương trình đào tạo ELITECH (Chương trình Tài năng, Tiên tiến, Kỹ sư Chất lượng cao) của Khoa Tự động hóa - Trường Điện – Điện tử.
Tân Phó giáo sư năm 2024 Nguyễn Thanh Hường, hiện là Giám đốc các chương trình đào tạo ELITECH (thuộc Khoa Tự động hóa - Đại học Bách khoa Hà Nội) - Ảnh: Phong Nguyễn |
Phó Giáo sư Đào Quý Thịnh, sinh năm 1984. Thầy Thịnh công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2007, giảng viên Khoa Tự động hóa - Trường Điện - Điện tử, hiện là Thư ký Biên tập Tạp chí Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa của Hội Tự động hóa Việt Nam. Phó Giáo sư Đào Quý Thịnh nhận bằng Tiến sĩ ngành Hệ thống điều khiển động học, chuyên ngành Robotics, tại trường Công nghệ Shibaura, Nhật Bản năm 2019. Đến nay, Phó giáo sư đã công bố 48 bài báo khoa học, trong đó có 17 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Phó Giáo sư Đào Quý Thịnh, hiện là giảng viên Khoa Tự động hóa - Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Lễ trao quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cho 23 cán bộ, giảng viên diễn ra thành công trong không khí chung của buổi lễ tri ân Ngày nhà giáo Việt Nam. Kết thúc buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm, vị thế của Đại học Bách khoa Hà Nội đối với nền giáo dục trong nước là rất lớn. Nhà trường đã làm tốt, và phải làm tốt hơn nữa, đưa ra những chiến lược toàn diện, chuẩn bị nhân lực, vật lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy và đào tạo.
“Mục tiêu của chiến lược phát triển 2025-2035, Đại học Bách khoa Hà Nội phải đẩy mạnh quốc tế hóa, đồng nhất với mục tiêu phát triển giáo dục hệ đại học của Chính phủ, trở thành một trong những trường đại học có mô hình Tinh – Gọn – Hiệu quả, lớn mạnh nhất nhì trong cả nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có kiến thức tốt, có kỹ năng, văn hóa, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ, để đưa ngành giáo dục nước nhà vươn xa ra thế giới”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.