Năm 2022 gần 100% lãnh thổ Việt Nam đã phủ sóng di động, 75% người dân được sử dụng Internet, 54 triệu người đã tham gia giao dịch trực tuyến, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 100% huyện và 97% xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng quốc gia. 65 triệu người trưởng thành đã có căn cước công dân gắn chíp, hàng trăm thủ tục giấy tờ được tinh giản. Kinh tế số đóng góp 10% vào GDP những con số này nói lên rõ nét về chuyển đổi số đang dần thay đổi cuộc sống người dân và toàn xã hội.
• Ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
• Chuyển đổi số tạo ra động lực mới cho phát triển
• Chuyển đổi số gắn liền với phát triển chính quyền số
Sáng ngày 10/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Tham dự sự kiện có đồng chí Phạm Minh Chính – Uỷ viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; đồng chí Vũ Đức Đam – Phó thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) – Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành đoàn thể trung ương và địa phương.
Ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc cho biết: Chuyển đổi số trước tiên là nhận thức, toàn dân toàn diện, thành công khi lấy người dân là trung tâm và huy động sự tham gia toàn dân. Ngày chuyển đổi số quốc gia là dịp nâng cao nhận thức toàn dân về ý nghĩa vai trò tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung. Chuyển đổi số là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, các nền tảng số made in Việt Nam. Ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc hướng đến cùng nhau hành động. Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới giải quyết vấn đề cuộc sống, tạo ra không gian sống mới, đó là không gian số. Trên không gian mới này những vấn đề thế giới cơ bản được giải quyết, không còn khoảng cách nông thôn và thành thị,… con người làm việc trên nền tảng số là đứng trên hệ tri thức đồ sộ.
Chuyển đổi số đang dần tạo ra những đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước với mục tiêu là xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và Công dân số. Nâng cao nhận thức người dân và toàn xã hội về vai trò ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia toàn dân đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi đi thông điệp quốc gia về ngày hội chuyển đổi số và nhận định: Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức lần đầu tiên thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính phiền hà thời gian chi phí cho người dân doanh nghiệp, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành hiệu quả. Đảng và Chính phủ coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Thủ Tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực:
Một là, nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến.
Hai là, xây dựng chiến lược hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách được quan tâm chỉ đạo. Ba là, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển.
Bốn là, cơ sở dữ liệu, nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy.
Năm là, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả sâu rộng.
Sáu là, an ninh an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng.
Bảy là, nguồn lực về tài chính nhân lực giành cho chuyển đổi số được tăng cường.
Tám là, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Thủ tướng cũng hi vọng đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm: Chuyển đổi số phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức vận hành quản trị xã hội. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm là chủ thể là mục tiêu là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công tiện ích xã hội thuận lợi hơn,…. Hướng tới xây dựng một Chính phủ số, Xã hội số, Công dân số, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Đỗ Phương
Ngày 9/10, trước khi diễn ra chính thức Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ban tổ chức đã thực hiện Hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số. Phát biểu tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Chuyển đổi số là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022, chúng ta cùng nhau trải nghiệm, khám phá, chia sẻ những câu chuyện thành công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó đã dần được định hình”.