acecook

Xây dựng Chương trình Chính phủ số, hướng tới Chính phủ thông minh vào năm 2030

Diễn đàn
21/05/2025 04:07
- Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang hoàn thiện dự thảo Chương trình Chính phủ số và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2025, với định hướng chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ thông minh vào năm 2030.
aa
Xây dựng Chương trình Chính phủ số, hướng tới Chính phủ thông minh vào năm 2030
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 tổ chức Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đức Long đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 71/NQ-CP đồng thời đề xuất định hướng hành động trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, thời gian qua, Chính phủ đã phát động nhiều phong trào quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham dự một số sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” và phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

Cùng với đó, việc ban hành Nghị quyết 71/NQ-CP để cập nhật, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.

Trên phương diện hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét 19 dự án luật và 3 nghị định tại kỳ họp thứ 9, đồng thời ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 193/2025/QH15. Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, kịp thời cho hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, hạ tầng số quốc gia cũng ghi nhận những bước tiến rõ rệt. Tính đến nay, đã có 11.591 trạm 5G được triển khai trên toàn quốc, tương đương khoảng 7,72% số trạm 4G. Ba doanh nghiệp viễn thông lớn gồm Viettel, VNPT và Mobifone đã xây dựng kế hoạch tăng số lượng trạm 5G lên hơn 68.000 vào cuối năm 2025, nhằm phủ sóng tới 90% dân số.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm triển khai dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo thấp Starlink, mở rộng khả năng kết nối toàn diện. Tổng dung lượng cáp quang biển hiện đạt 52 Tbps và sẽ tăng thêm 20,5 Tbps vào tháng 7/2025. Ngoài ra, cả nước hiện có 41 trung tâm dữ liệu thương mại với tổng công suất thiết kế lên tới 221 MW.

Về phát triển chính phủ số, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo, điều hành không giấy tờ. Hệ thống ECabinet đã xử lý 81 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế khoảng 19.600 tài liệu giấy. Hơn 1,2 triệu văn bản được xử lý thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đã đạt gần 40% trên cả nước...

Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP tiếp tục gia tăng, đạt mức 18,72%, trong đó kinh tế số lõi chiếm 8,63% và kinh tế số lan tỏa chiếm 10,09%. So với quý I/2024, kinh tế số tăng trưởng khoảng 10%, cho thấy xu hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Hoạt động thương mại điện tử ghi nhận sự tăng trưởng đột phá với tổng doanh số thị trường trong ba tháng đầu năm 2025 đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ hàng hóa qua các nền tảng trực tuyến cũng đạt gần 951 triệu sản phẩm, tăng 24% so với quý I/2024.

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, với doanh thu ước đạt 423.378 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng 3/2025 và tăng tới 44,41% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin ước đạt 373.242 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,54 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với tháng 3/2025 và tăng mạnh 51,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ngày 9/4/2025, Bộ KH&CN đã khai trương Cổng thông tin tiếp nhận và công bố sản phẩm, giải pháp về KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tính đến ngày 10/5, cổng đã tiếp nhận 426 hồ sơ và công bố 103 sản phẩm, giải pháp tiêu biểu, sẵn sàng đưa vào ứng dụng rộng rãi.

Về xã hội số, tính đến ngày 12/5/2025, cả nước đã cấp hơn 17 triệu chứng thư chữ ký số, tăng 6,2% so với tháng trước đó. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đạt 27,7%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với tháng 4, cho thấy sự lan tỏa của chuyển đổi số trong đời sống xã hội.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. Hiện vẫn còn hai cơ quan chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo về KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Việc triển khai công tác điều hành trực tuyến dựa trên dữ liệu còn chậm, với 30 địa phương và 16 bộ, ngành chưa ban hành chỉ số phục vụ điều hành. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình toàn quốc chỉ đạt gần 40%, trong đó các tỉnh, thành phố chỉ đạt 14,6%. Kết quả này còn rất xa mục tiêu 80% vào cuối năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ..

Ngoài ra, việc triển khai các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết 193/2025/QH15 vẫn rất hạn chế. Mới chỉ có 10 bộ, ngành và 20 địa phương đăng ký dự án với tổng kinh phí 15.000 tỷ đồng, trong đó chỉ 3.300 tỷ đồng được đăng ký cho các nhiệm vụ cụ thể năm 2025...

Xây dựng Chương trình Chính phủ số, hướng tới Chính phủ thông minh vào năm 2030
Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo

Sửa Chiến lược AI, xây dựng Chương trình hành động chuyển đổi AI

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và 6/2025. Trước hết là hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua. Bộ KH&CN sẽ chủ trì xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp công nghệ số và đề án phát triển, trọng dụng nhân tài.

Việc triển khai chuyển đổi số theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng sẽ được tiến hành thí điểm tại TPHCM trong tháng 5 để rút kinh nghiệm và mở rộng toàn quốc.

Bộ KH&CN đang sửa Chiến lược AI và xây dựng Chương trình hành động chuyển đổi AI, trình Thủ tướng ban hành trong tháng 5/2025 với một số định hướng sau: Đưa Việt Nam vào Top 3 ASEAN và Top 50 thế giới về AI vào năm 2030; xây dựng 3 trung tâm tính toán hiệu năng cao quốc gia quy mô 20.000 GPU; đưa AI vào giáo dục từ tiểu học; đào tạo 1.000 chuyên gia, 50.000 kỹ sư về AI...

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành Chương trình Chính phủ số trong tháng 6/2025, có một số định hướng chính: Chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ thông minh vào năm 2030; cung cấp dịch vụ công trực tuyến chủ động, cá thể hóa và tích hợp trí tuệ nhân tạo; các cơ quan nhà nước vận hành thông minh dựa trên dữ liệu qua các mô hình IoC, các nền tảng số quốc gia; sử dụng nền tảng số để đo lường, công bố trực tuyến kết quả về tỷ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của từng bộ, ngành, địa phương, định kỳ hằng tháng...

Bảo đảm chi 3% ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình xây dựng trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và đào tạo chuyên gia đầu ngành sẽ được triển khai quyết liệt.

Về nền tảng số dùng chung, Trung ương đầu tư nền tảng số dùng chung đến cấp cơ sở, các địa phương không đầu tư nữa. Trung ương có trách nhiệm mở nền tảng để địa phương cùng dùng.

Vì vậy, Bộ KH&CN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đúng hạn 46 nhiệm vụ của Nghị quyết 71 trong tháng 5 và 6/2025, đồng thời báo cáo tiến độ định kỳ qua hệ thống trực tuyến, kiên quyết không chấp nhận báo cáo giấy.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương xây dựng, công bố các “bài toán lớn” để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, và đăng ký bổ sung ngân sách cho các nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo mức chi 3%.

chinhphu.vn
mca
Tin bài khác
Đại học Phenikaa phải trở thành bệ phóng đào tạo và phát triển công nghệ chủ lực

Đại học Phenikaa phải trở thành bệ phóng đào tạo và phát triển công nghệ chủ lực

Chiều 22/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa.
Chuyển đổi số trong bảo trì: Khi cảm biến và AI chủ động ngăn cản sự cố

Chuyển đổi số trong bảo trì: Khi cảm biến và AI chủ động ngăn cản sự cố

Trong thế giới sản xuất hiện đại, khái niệm bảo trì không còn đơn thuần là sửa chữa sau khi sự cố xảy ra. Nhờ vào sự kết hợp giữa Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà máy đang bước vào kỷ nguyên của bảo trì dự đoán, một phương pháp chủ động giúp giảm thời gian ngừng hoạt động và tăng độ tin cậy của thiết bị.
Nhận định phiên giao dịch ngày 23/7: Nắm giữ cổ phiếu mạnh, tránh mua đuổi

Nhận định phiên giao dịch ngày 23/7: Nắm giữ cổ phiếu mạnh, tránh mua đuổi

Tâm lý nhà đầu tư hiện đang rất tích cực, thể hiện qua việc chỉ số VN Index tăng mạnh kèm thanh khoản cao. Dòng tiền tiếp tục ưu tiên midcap và bluechip, tạo đà cho thị trường tiến sát các vùng đỉnh cao mới. Tuy vậy, sự xuất hiện của các cây nến rút chân và bóng trên trong phiên gần nhất là tín hiệu cảnh báo có thể xuất hiện rung lắc kỹ thuật trong vài phiên tới.
Quản lý hiệu quả dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chi cho đầu tư công

Quản lý hiệu quả dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chi cho đầu tư công

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Định hình chùm tia thích ứng cho các mảng tròn đồng nhất

Định hình chùm tia thích ứng cho các mảng tròn đồng nhất

Định dạng chùm tia trong ăng-ten thông minh là một kỹ thuật cực kỳ hiệu quả, tận dụng khả năng điều chỉnh linh hoạt các đặc tính bức xạ của ăng-ten, bao gồm hướng chùm tia chính, triệt nhiễu và điều khiển mức thùy phụ.
Thị trường chứng khoán ngày 22/7: VN Index lấy lại đà tăng sau phiên rung lắc

Thị trường chứng khoán ngày 22/7: VN Index lấy lại đà tăng sau phiên rung lắc

Thị trường chứng kiến một phiên giao dịch với biến động lớn nhưng kết thúc với sự phục hồi ấn tượng. Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh, các cổ phiếu lớn và midcap đã tạo động lực cho chỉ số VN Index tăng tới gần 25 điểm.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 23/7/2025: Tuổi Thân phát tài, tuổi Mão chú ý chi tiêu

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 23/7/2025: Tuổi Thân phát tài, tuổi Mão chú ý chi tiêu

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 23/7/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đào tạo môn chuyên THPT

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đào tạo môn chuyên THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố dự thảo Thông tư quy định Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường THPT chuyên.
Điểm sàn Đại học Quốc gia Hà Nội ở mức 19-20 điểm

Điểm sàn Đại học Quốc gia Hà Nội ở mức 19-20 điểm

Hai đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXHNV) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN) vừa công bố điểm sàn năm học 2025-2026 dao động từ 19-20 điểm, tùy ngành.
BIDV SME Fast Track - Giải pháp để doanh nghiệp bứt phá

BIDV SME Fast Track - Giải pháp để doanh nghiệp bứt phá

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bậc của kinh doanh bán lẻ và thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp cần những giải pháp tài chính linh hoạt, hiện đại và tối ưu chi phí. Chương trình ưu đãi SME Fast Track của BIDV chính là chìa khóa để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, TMĐT và các hộ kinh doanh đang chuyển đổi lên doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và bứt phá trong kinh doanh.
Quảng cáo
moxa