Ngày 15/3/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cùng Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường ký kết thoả thuận hợp tác với VREC
Thỏa thuận hợp tác là cam kết lâu dài giữa Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, tái thiết cuộc sống xanh; các chương trình giáo dục (giáo dục ngoại khóa, đào tạo, tập huấn…); chương trình trải nghiệm; các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các dự án, hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam – một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, phấn đầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
“Tại kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tháng 6 năm 2018, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế khác, Việt Nam đã tích cực tham gia và đề xuất nhiều sáng kiến có liên quan. Đặc biệt, ngày 9/6/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”, ông Vũ Minh Lý chia sẻ thêm.
Đặc biệt, chương trình hợp tác tập trung trọng điểm vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới các hành động vì một môi trường bền vững, xanh, sạch.
Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các nhóm hoạt động như: Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh hoặc hoạt động ngoại khóa; Học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường học; trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm; tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường.
Chương trình trải nghiệm tái chế rác nhựa là chương trình giáo dục trải nghiệm tái chế đặc biệt, với mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, trong đó tập trung đến nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khu chung cư và các khu công nghiệp trên cả nước. Xuyên suốt chuỗi hoạt động của chương trình này, khách hàng sẽ được tìm hiểu về rác và quy trình tái chế rác thải nhựa. Một vòng tròn khép kín từ khâu phân loại, thu gom và tái chế.
Hoạt động tái chế sẽ được thiết kế trải nghiệm ngay tại chỗ với máy tái chế tạo thành một sản phẩm chậu nhựa tái chế thông minh và nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo khác.
Đạm Lê Quang