Cuối tháng 12/2024, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tới 28 tỉnh, thành phố có biển cùng nhiều bộ, ngành đề nghị tham gia ý kiến với đề xuất về 7 tổ hợp dự án điện gió ngoài khơi như báo cáo của Viện Năng lượng, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cập nhật danh mục dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự án điện gió ngoài khơi |
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố có biển sẽ có ý kiến về sự phù hợp với Quy hoạch tỉnh, khả năng sắp xếp, bố trí không gian trạm biến áp và đường dây đấu nối trên bờ, phục vụ đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng được yêu cầu có ý kiến về khả năng định hướng giải tỏa công suất, đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư trên cơ sở cân đối cung - cầu của hệ thống. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải có ý kiến về sự chồng lấn với các dự án dầu khí trên biển,…
Theo Viện Năng lượng, có 7 tổ hợp điện gió ngoài khơi được định hướng tại các vùng biển. Trong số này, khu vực Bắc bộ sẽ có 3 tổ hợp là Bắc bộ 1 (1.500 MW), Bắc bộ 2 (500 MW) và Bắc bộ 3 (500 MW), với các địa điểm gom công suất - đấu nối được đề xuất lần lượt là ở Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh.
Khu vực miền Trung sẽ có tổ hợp điện gió ngoài khơi Nam Trung bộ 1 (1.500 MW) và Nam Trung bộ 2 (500 MW), với điểm gom công suất - đấu nối tại Thuận Nam (Ninh Thuận) và Sơn Mỹ (Bình Thuận).
Khu vực Nam bộ có điện gió ngoài khơi Nam bộ 1 (500 MW) và Nam bộ 2 (500 MW), với điểm gom công suất - đấu nối dự kiến là Bắc Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực Trà Vinh hoặc Bến Tre.
Tại cuộc họp với các địa phương triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg về đảm bảo cấp điện, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2026 - 2030 và Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà An (tổng hợp)