Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội, Phóng viên Tạp chí Tự động hóa Ngày nay đã được PGS. TS Bùi Quốc Khánh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ về xu hướng nguồn nhân lực tự động hóa trong bối cảnh hiện nay, những chương trình mà Hội đã thực hiện được trong nhiều năm qua và những ý kiến đóng góp để công tác đào tạo nguồn nhân lực tự động hóa trong tương lai được tốt hơn.
PGS.TS Bùi Quốc Khánh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại một hội thảo |
- Chào ông, xin ông cho biết nhu cầu nguồn nhân lực của ngành tự động hóa trong thời gian tới sẽ như thế nào?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Tự động hóa là nền tảng triển khai công nghệ cao để phát triển kinh tế và xã hội. Tự động hóa liên quan tới tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội như: Phát triển sản xuất công nông nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh, giao thông thông minh và giao thương buôn bán, các dịch vụ an sinh xã hội đều yêu cầu tới tự động hóa,…Vì vậy, nguồn lực ngành tự động hóa trong thời gian tới không những có nhu cầu cao về số lượng mà còn yêu cầu về đa dạng ngành nghề.
- Vậy theo ông, điểm mạnh và điểm yếu trong nguồn nhân lực tự động hóa tại Việt Nam là gì?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Đội ngũ của nguồn nhân lực tự động hóa ngày càng đông đảo đã và đang phục vụ tích cực trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, xã hội. Phần lớn đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành tự động hóa đều trẻ, có nhiệt huyết sáng tạo và cống hiến đã đóng góp nhiều thành tích, được xã hội tín nhiệm ghi nhận. Tại các trường đại học và cao đẳng, số sinh viên đăng ký vào học ngành tự động hóa ngày càng tăng, luôn đứng ở những vị trí đầu. Tuy nhiên gần đây một số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng các sinh viên mới ra trường nói chung và tự động hóa nói riêng. Nguyên nhân chính của vấn đề này là: Thứ nhất, thời gian đào tạo rút ngắn từ 5 năm xuống 4 năm cũng ảnh hưởng tới chất lượng kỹ sư. Việc rút ngắn đào tạo là chủ trương đúng đắn vì trước đây học 5 năm chương trình đào tạo cồng kềnh, cái gì cũng học nhưng ra trường không phải cái gì học cũng sử dụng. Mặt khác, nhà trường chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng để biết vận dụng vào công việc thực tế sau này và không đào tạo chuyên môn sâu một lĩnh vực cụ thể. Chính vì vậy, cần có giải pháp đào tạo phù hợp để sinh viên ra trường có thể nhanh chóng tiếp thu công việc đảm nhận.
Thứ hai, có nhiều sinh viên phải vừa học vừa phải làm thêm để cân đối tài chính cho học phí cao và chi phí ăn ở ngày càng đắt đỏ, nên việc học tập cũng bị giảm sút.
Thứ ba, các giáo viên ngày nay có sự chuyển hướng từ nghiên cứu khoa học gắn liền thực tiễn sản xuất sang nghiên cứu để viết báo công bố trên tạp chí nước ngoài nhằm đáp ứng chỉ tiêu tính lương và số điểm tính học hàm. Vì vậy, các giáo viên ngày càng không thích xuống thực hiện các đề tài sản xuất yêu cầu. Điều này dẫn đến bài giảng cho sinh viên thiếu gắn kết với thực tiễn làm giảm yếu tố sinh động để lôi cuốn và kích thích sinh viên say mê ngành nghề.
- Ông có đề xuất gì để khắc phục những vấn đề ông vừa nêu trên, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Ở các nước phát triển chương trình đào tạo đại học cũng chỉ 4 năm, tuy nhiên cơ sở vật chất thí nghiệm đầy đủ để sinh viên học tập hiểu biết về nghề nghiệp hơn sinh viên Việt Nam. Đồng thời lúc ra trường, khi định hướng nơi làm việc, sinh viên sẽ học tập chuyên sâu về một lĩnh vực đó ở các cơ sở đào tạo được gọi là “Workshop”. Ví dụ khi sinh viên học ngành tự động hóa ra trường muốn làm việc tại nhà máy điện với vai trò kỹ sư tự động hóa, cần học khóa học chuyên sâu về tự động hóa nhà máy điện từ ba đến sáu tháng. Ở Việt Nam, sinh viên đến công tác tại nhà máy phải tự học, tự tìm tòi, nếu may mắn khi nhận công tác nhà máy đang xây dựng sinh viên sẽ được học những khóa đào tạo ở nước ngoài theo dự án. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu từng ngành nghề cho sinh viên mới ra trường để sinh viên có thể tiếp cận với thực tiễn sản xuất nhanh chóng. Về đánh giá các trường đại học, Nhà nước nên bổ sung thêm tiêu chí đánh giá về hiệu quả cống hiến khoa học công nghệ và đóng góp cho sản xuất của giáo viên, sinh viên trường đó. Có thể gọi đó là chỉ số uy tín của trường đại học đối với xã hội. Điều này sẽ khuyến khích các trường đại học gắn kết với nền sản xuất nước nhà và chất lượng sinh viên ra trường sẽ đảm bảo được yêu cầu của sản xuất. Đối với các doanh nghiệp, tại Việt Nam, doanh nghiệp được thừa hưởng một đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các trường đại học trong nước đào tạo ra, nhưng không mất khoản chi phí đầu tư nào. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần đầu tư đặt hàng với các trường đại học để sau này tuyển dụng sinh viên đến làm việc tại công ty mình. Điều này sẽ giảm bớt sức ép đối với nhà trường trong việc luôn lo nghĩ cân đối việc thu học phí và chi lương cho cán bộ cũng như vận hành nhà trường. Đồng thời cũng đóng góp phần nào chi phí cho sinh viên, như vậy sinh viên yên tâm học tập góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.
Thời gian tới, Hội Tự động hóa Việt Nam có kế hoạch phối hợp với các trường đại học, các cơ sở sản xuất và viện nghiên cứu thực hiên đào tạo và cấp bằng kỹ sư |
- Theo ông, Hội Tự động hóa Việt Nam với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành tự động hóa sẽ góp phần như thế nào trong việc đào tạo nhân lực tự động hóa?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Hội Tự động hóa Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực tự động hóa cho nền kinh tế nước nhà. Bằng việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu cho các kỹ sư làm việc tại nhà máy. Trong hai nhiệm kỳ qua Hội Tự động hóa Việt Nam còn thực hiện liên kết với các hội nước bạn như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,… tổ chức các đoàn tham quan học hỏi và các khóa đào tạo ngắn hạn về các chuyên đề do hội các nước bạn tài trợ. Hiện nay, Hội Tự động hóa Việt Nam chuẩn bị thành lập Chi hội đào tạo nguồn nhân lực tự động hóa với kế hoạch mở các lớp chuyên sâu ngắn hạn cho các ngành nghề có cấp chứng chỉ. Ngoài ra, trên trang Tạp chí điện tử Tự động hóa Ngày này đã có chuyên mục về chuyên môn tự động hóa, qua đó giúp các kỹ sư nhà máy giải quyết nhiệm vụ trước mắt và nâng cao trình độ nghiệp vụ.
- Đó là những nội dung mà Hội Tự động hóa Việt Nam có thể làm được, nhưng trên thực tế còn có vướng mắc gì không, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Khi các trường đại học chuyển từ đào tạo kỹ sư 5 năm xuống đào tạo cử nhân 4 năm, Hội Tự động hóa Việt Nam có kế hoạch phối hợp với các trường đại học, các cơ sở sản xuất và Viện nghiên cứu thực hiện đào tạo và cấp bằng kỹ sư. Tuy nhiên, kế hoạch này còn vướng mắc về pháp lý nên không thể tiến hành được. Do vậy, chỉ dừng lại triển khai đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ cho một lĩnh vực tự động hóa chuyên sâu.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
HƯƠNG DUYÊN (thực hiện)