Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin & Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức diễn ra chiều nay tại Hà Nội (ngày 14/12). Diễn đàn là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của Ngày chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chia sẻ và Kết nối”.
Trên 700 đại biểu cấp cao từ Đảng, Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ; các cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 35 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 21 quốc gia tại Việt Nam, 17 tổ chức quốc tế và các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học đã tham gia sự kiện.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Công ty nghiên cứu McKensey thì chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Còn theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Do đó, phát biểu tại phiên khai mạc, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA cho rằng đây là thời điểm đặc biệt, thời điểm của hành động để khiến chuyển đổi số thành chương trình hành động của mọi người. Chuyển đổi số là điểm hy vọng của Việt Nam để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, là bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần kết nối, chia sẻ và hành động”.
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên. Nhưng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình, ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm (theo báo cáo của Cisco (2019).
“Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như tháng 3/2020, trên không gian mạng có khoảng 3000 đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” thì tháng 11/2020 có khoảng 30.000 đề cập, tăng gấp 10 lần. Diễn đàn cấp cao CNTT-TT hôm nay cũng chú trọng nội dung này”. Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ TT&TT còn nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu hướng mới chưa có tiền lệ. Do đó, chúng ta phải kết nối, chia sẻ. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người”.
Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi 4 chương trình hành động cụ thể:
Trong Phiên khai mạc, nhiều thông tin chia sẻ rất hữu ích cũng đã được chia sẻ như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0 (Chương trình I-Korea 4.0); Chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.
Với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”, Chương trình là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình sẽ diễn ra đến hết ngày mai (15/12), với 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế, Logistics, Tài chính – Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp và nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Khán giả có thể theo dõi trực tuyến trên website chương trình tại http://dxdat.vinasa.org.vn, kênh youtube và facebook của VINASA.
Trà Giang