Khi trí tuệ nhân tạo thúc đẩy cuộc cách mạng sản xuất thông minh |
Chiều ngày 16/7, Diễn đàn Sản xuất Thông minh Việt Nam 2025 chính thức diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề xuyên suốt là nâng cấp sản xuất thông minh, phát triển hệ sinh thái bán dẫn và hướng đến tăng trưởng bền vững. Sự kiện do ACT International phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tổ chức, quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn Sản xuất Thông minh Việt Nam 2025 |
Chính sách quốc gia thúc đẩy chuyển đổi số và sản xuất thông minh
Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang từng bước chuyển mình trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển. Nghị quyết 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị xác định rõ: đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực cốt lõi để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, Quyết định 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn được xác định là lĩnh vực tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí. Quyết định 645/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong việc kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất thông minh.
Những năm gần đây, Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế địa lý và nhân lực để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Foxconn,... hình thành hai trung tâm công nghiệp điện tử lớn tại miền Bắc và miền Nam. Năm năm liên tiếp, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại trong lĩnh vực điện tử, đặc biệt với các mặt hàng như điện thoại di động và chất bán dẫn.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng tại Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, phát triển nhân tài và hạ tầng hiện đại, đây cũng chính là động lực để tổ chức diễn đàn năm nay.
Chuyển đổi số: Không chỉ là công nghệ, mà còn là con người và tư duy quản trị
Một trong những hoạt động nổi bật của Diễn đàn Sản xuất Thông minh Việt Nam 2025 là phiên thảo luận cấp cao với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tại đây, các diễn giả sẽ tập trung phân tích về việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và chuyển đổi số, làm rõ vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, những bài học thực tiễn từ các mô hình sản xuất thông minh thành công trên thế giới đã được chia sẻ, cùng với các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Howard Liu - Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Vayo (Thượng Hải) nhấn mạnh rằng trong tiến trình chuyển đổi số, điều quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp là cần tập trung phát triển và ứng dụng các phần mềm số hóa nhằm tối ưu hoá quy trình vận hành.
Chia sẻ về thực trạng chung, ông cho biết không chỉ tại Trung Quốc mà cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác đều đang gặp thách thức lớn trong công tác quản trị nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hoá. Nguyên nhân chính đến từ mức độ phức tạp ngày càng cao của công việc, vừa mang tính cạnh tranh gay gắt, vừa dễ bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, quá trình phát triển sản phẩm mới cũng ngày càng phức tạp hơn, kéo theo khối lượng công việc lớn. Trong khi đó, không phải nhân sự nào cũng sẵn sàng làm thêm giờ, và ngay cả khi làm thêm thì độ chính xác cũng khó đảm bảo vì phải xử lý hàng nghìn hạng mục nhỏ. Đây đang là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất điện tử.
Theo ông Liu, thách thức lớn nhất lại thuộc về đội ngũ quản lý - những người cần sở hữu cả kỹ năng, kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc tốt và xây dựng hệ thống phúc lợi hấp dẫn nhằm giữ chân đội ngũ kỹ sư và chuyên gia chất lượng cao, đảm bảo sự cam kết và gắn bó lâu dài của họ với tổ chức.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Đồng - Giám đốc Công ty Tư vấn Năng suất & Chất lượng Quốc tế cho rằng những lý do khiến doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại là chưa có mục tiêu rõ ràng, chiến lược sai lầm, không có khả năng đổi mới, nội bộ không thực thi, thiếu nguồn nhân lực giỏi, văn hoá doanh nghiệp không kịp thích ứng, không có được trải nghiệm của khách hàng và công nghệ chưa phù hợp. Từ đó, ông nhấn mạnh: "Chuyển đổi số và nhà máy thông minh sẽ không tạo ra được kết quả nếu không bắt đầu từ tư duy đúng và chiến lược đúng".
![]() |
Ông Phạm Văn Đồng - Giám đốc Công ty Tư vấn Năng suất & Chất lượng Quốc tế cho rằng chuyển đổi số và nhà máy thông minh sẽ không tạo ra được kết quả nếu không bắt đầu từ tư duy đúng và chiến lược đúng |
Bên cạnh đó, triển lãm công nghệ Confex cũng là điểm nhấn đáng chú ý của Diễn đàn, với sự góp mặt của hơn 20 gian hàng đến từ các tập đoàn công nghệ lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Triển lãm giới thiệu loạt giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực tự động hóa và robot công nghiệp, nền tảng IoT kết hợp với phân tích dữ liệu lớn, công nghệ in 3D và các mô hình sản xuất linh hoạt. Ngoài ra, những ứng dụng AI trong quản trị chuỗi cung ứng và tối ưu hóa sản xuất cũng sẽ được trình diễn, mang đến góc nhìn toàn diện về xu hướng sản xuất thông minh hiện đại.
Không kém phần quan trọng là các phiên kết nối giao thương (B2B), nơi doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp công nghệ và các tổ chức nghiên cứu có cơ hội thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược, thúc đẩy các dự án đổi mới sáng tạo thiết thực. Đây sẽ là không gian kết nối thực chất, góp phần hình thành các liên minh công nghệ và phát triển chuỗi giá trị.
![]() |
Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối tại diễn đàn |
Diễn đàn cũng tổ chức chương trình thăm quan thực tế tại các công ty sản xuất điện tử hàng đầu. Thông qua các chuyến đi thực địa này, đại biểu sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cách các doanh nghiệp đang triển khai sản xuất thông minh, quản trị chuỗi cung ứng số hóa và áp dụng các chiến lược chuyển đổi số một cách bền vững.
Theo ông Mak Adonis, Tổng Giám đốc ACT International, Diễn đàn Sản xuất Thông minh Việt Nam 2025 là bước đi cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo cầu nối thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các giải pháp công nghệ hiện đại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Diễn đàn không chỉ là nơi gặp gỡ của giới chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, mà còn là bệ phóng cho việc xây dựng hệ sinh thái sản xuất thông minh tại Việt Nam - nơi mà đổi mới sáng tạo trở thành giá trị cốt lõi, góp phần thúc đẩy quốc gia bứt phá trong kỷ nguyên số.
Nhóm PV