Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết đang triển khai việc tập hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu doanh nghiệp công nghệ số để công bố Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam bắt đầu từ năm 2025, với tên gọi VINASA TechMap.
![]() |
Ngày 27/02, tại Hà Nội, VINASA họp báo giới thiệu về TOP 10 và Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số. Ảnh VINASA |
Ông An Ngọc Thao, Phó tổng Thư ký VINASA cho biết, với dữ liệu các doanh nghiệp công nghệ số “khổng lồ”, trên khắp cả nước, đội ngũ xây dựng bản đồ sử dụng công nghệ AI để đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng (khoảng 166,7 tỷ USD), tăng 13,2% so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (ICT) đóng góp 3.878.296 tỷ đồng (khoảng 151,86 tỷ USD), chiếm hơn 91% doanh thu toàn ngành và 11% GDP.
Tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động tại Việt Nam đạt 54.500 doanh nghiệp, tăng 16% so với năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt 132,3 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2023, chiếm 32% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của quốc gia.
Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngành công nghiệp ICT Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh, hướng tới mục tiêu đạt 4.320.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2025, đóng góp hơn 12% GDP và nâng tỷ lệ giá trị Việt Nam trong ngành từ 32% lên 50% vào năm 2030.
Theo ông An Ngọc Thao, bên cạnh bối cảnh đó, doanh nghiệp công nghệ số ngày càng tăng về số lượng và phát triển quy mô hơn, có doanh nghiệp không lớn hẳn nhưng lại có sản phẩm đặc thù, hiệu quả cho từng ngành cụ thể. Đối tác nước ngoài khi đến Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng đa dạng về quy mô và lĩnh vực mong muốn phối hợp. Do đó, rất cần một bản đồ cho các doanh nghiệp công nghệ số, như một chứng thực được tạo thành bởi một tổ chức có uy tín.
VINASA Tech Map: Định vị các doanh nghiệp trên “bản đồ” Công nghệ số
Tại buổi họp báo giới thiệu về TOP 10 Doanh nghiệp công nghệ số và việc lần đầu tiên triển khai chương trình Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch VINASA cho biết, VINASA Tech Map không đơn thuần là một ấn phẩm, các doanh nghiệp tham gia Bản đồ công nghệ sẽ được đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại thông qua sách in, sách online bằng 03 thứ tiếng gồm tiếng Việt - Anh - Nhật, tiếp cận các hội thảo, talkshow chuyên đề, Business Matching & Networking,...
VINASA Tech Map áp dụng mô hình đánh giá theo hai trục chính: Tầm nhìn và Khả năng thực thi, từ đó doanh nghiệp được phân vào 4 nhóm: Nhóm Thực lực, bao gồm các doanh nghiệp có năng lực triển khai mạnh, tập trung vào hiệu quả thực tế; Nhóm Đầu tàu, là các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, vừa có tầm nhìn xa vừa có khả năng thực thi tốt; Nhóm Chuyên biệt, gồm các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực cụ thể, phát triển theo hướng chuyên sâu; và Nhóm Khai phá, là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào công nghệ mới nhưng khả năng thực thi còn đang phát triển.
Qua các tiêu chí này, Bản đồ công nghệ sẽ cung cấp dữ liệu toàn diện về hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phân loại theo lĩnh vực, quy mô, năng lực đổi mới và tiềm năng phát triển.
Bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc thương hiệu của NTQ, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT tại Việt Nam và có hơn 10 năm tại thị trường nước ngoài cho biết: “Nhiều năm nay chủ yếu doanh nghiệp tự nỗ lực quảng bá năng lực của mình đến thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp rất cần có một bản đồ công nghệ cho ngành mình để chứng minh uy tín của doanh nghiệp, cũng như sự trưởng thành của thị trường Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế. Bà Nguyễn Minh Trang còn cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn có suy nghĩ Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ chứ không biết chúng ta còn có sản phẩm, giải pháp.”
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA - cho biết: " Việc ra mắt Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp định vị được năng lực của mình mà còn tạo nền tảng để mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư và tiếp cận các thị trường mới. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khẳng định dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng rằng với phương thức đánh giá toàn diện và sự hỗ trợ từ các chính sách đổi mới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để bứt phá, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế."
VINASA Techmap dự kiến sẽ ra mắt vào giữa tháng 8 năm 2025 và sẽ được hoàn thiện qua từng năm, phản ánh đầy đủ và toàn diện các doanh nghiệp thuộc nhiều phân khúc khác nhau, giúp định vị doanh nghiệp trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế, đồng thời là dữ liệu quan trọng cho ngành, cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách.
Bảo Hà