Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhu cầu tự động hóa các hoạt động trong quy trình sản xuất, dịch vụ đã tăng lên đáng kể. Hyperautomation (Siêu tự động hóa) mang tới những hiệu quả cao trong việc gia tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Trong tương lai, siêu tự động hóa sẽ giúp giải phóng nhân sự, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận định trên đã được đề cập tại buổi Leader Talks chủ đề “Siêu tự động hóa trong doanh nghiệp số” trong khuôn khổ chuỗi chương trình CTO Summit 2022 và Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ do VnExpress tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á – akaBot (FPT Software) và ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối CNTT Nam A Bank.
Trong hai năm vừa qua, tình hình đại dịch Covid-19, những bất ổn về chính trị, các vấn đề môi trường đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp cần phải tìm đến công nghệ như một chiến lược tăng trưởng, bền vững và linh hoạt. Trong năm 2022, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển mô hình sản xuất kinh doanh vào ba yếu tố chính là tăng trưởng, số hóa và hiệu suất.
Bà Thành chỉ ra hai lý do chính khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại vẫn chưa có mức độ trưởng thành số cao, đó là: quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu tập trung tự động hóa các quy trình, tác vụ nhỏ lẻ, riêng rẽ và các đơn vị đa phần chưa có kế hoạch tổng thể, xây dựng chiến lược số chưa hiệu quả.
Để giải quyết được vấn đề trên, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á akaBot khẳng định siêu tự động hóa sẽ chính là giải pháp cho các doanh nghiệp. Siêu tự động hóa giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề hiệu suất, chất lượng nhân viên cũng như năng lực thích ứng công nghệ thông minh.
Tuy nhiên, phải từ sau năm 2030, siêu tự động hóa mới thật sự trở nên phát triển và phổ biến. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt mới chỉ dừng lại ở mức phổ biến RPA và bắt đầu chuyển dịch sang tự động hóa end-to-end với bộ công cụ số hyperautomation.
Đại diện của akaBot cho biết: “Việc đưa RPA vào tự động hóa vận hành đã trở nên phổ biến trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên đa phần việc tự động hóa quy trình vẫn đang dừng ở cấp độ cơ bản và bắt đầu có dấu hiệu tối ưu thông qua việc thành lập CoE (các trung tâm cải tiến tập hợp những kinh nghiệm về tự động hóa). Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của tự động hóa toàn trình. Đó chính là tiền đề để hướng tới hyperautomation.”
Để tối ưu vận hành doanh nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối CNTT Nam A Bank nhận định bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ cần thực hiện hai quá trình song song: “đối nội số” và “đối ngoại số”. Ở quá trình “đối nội số”, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với khái niệm siêu tự động hóa.
Các công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có thể ứng dụng hyperautomation bao gồm: báo cáo định kỳ, tiếp thị, bán hàng và phân phối, dịch vụ ngân hàng, hoạt động thanh toán, hoạt động cho vay, khối công việc Back-office cùng những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khác. Nhờ có ứng dụng của hyperautomation, các công việc trong ngành tài chính ngân hàng sẽ được xử lý nhanh hơn, ít sai sót hơn và cũng cần ít nhân lực hơn
Tuy nhiên, trong quá trình hướng đến siêu tự động hóa, việc áp dụng công nghệ quá nhiều cũng dẫn đến những nỗi lo về việc các cỗ máy thay thế hoàn toàn và ảnh hưởng đến việc làm của con người. Theo ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, để giúp người lao động giảm nỗi lo mất việc làm, doanh nghiệp trước tiên nên có những giai đoạn thử nghiệm công nghệ. Các đơn vị cũng cần tổ chức những buổi chia sẻ, hướng dẫn về cách vận hành, sử dụng và giá trị mang lại của công nghệ với đội ngũ nhân sự.
Lãnh đạo của Nam A Bank cho rằng con người vẫn sẽ là trọng tâm trong mọi sự phát triển. Việc áp dụng giải pháp máy móc, công nghệ sẽ góp phần giải phóng người lao động khỏi những quy trình lặp đi lặp lại.
Ông Tuyên chia sẻ: “Khi được giải phóng khỏi những công việc nhàm chán, con người sẽ có thể tập trung cho những thứ lớn hơn, cần đến sự sáng tạo và tư duy đổi mới. Đó là lợi ích mà tự động hóa mang lại cho người lao động, chứ không có chuyện những cỗ máy sẽ hoàn toàn thay thế con người.”
Bên cạnh “đối nội số”, “đối ngoại số” cũng là điều doanh nghiệp Việt rất quan tâm trong quá trình số hóa. Đối ngoại số thể hiện ở cách doanh nghiệp thuyết phục, duy trì mối quan hệ với khách hàng, thị trường, cổ đông dựa trên nền tảng công nghệ.
Với quá trình “đối ngoại số”, ngân hàng được xem là một trong những đơn vị tiên phong. Các ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin của khách hàng cho các sản phẩm số từ nhiều năm qua. Tuy vậy, theo ông Tuyên, việc chuyển đổi hoàn toàn lên ngân hàng số vẫn sẽ là câu chuyện của tương lai xa.
Các nhà lãnh đạo kết luận rằng việc tập trung vào giá trị, giải pháp để tối ưu vận hành, ứng dụng công nghệ hiệu quả sẽ là cách để các doanh nghiệp bắt kịp với xu hướng của siêu tự động hóa.
Duy Anh