Mặc dù tăng trường khả quan nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vùng lõm, thậm chí có tỉnh còn không triển khai xây dựng trung tâm logistics. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tìm một giải pháp hợp lý để tháo gỡ vướng mắc mà các tỉnh đang gặp phải.
• Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau đại dịch Covid-19
• Cần sớm xây dựng đề án phát triển nhân lực logistics
Cả nước hiện đang có 28 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng trung tâm logistics; còn 35 tỉnh, thành phố chưa triển khai xây dựng. Riêng vùng Tây Nguyên chưa có tỉnh nào triển khai xây dựng trung tâm logistics.
Thực tế cho thấy, hiện nay sự phát triển các trung tâm logistics không đồng đều giữa các vùng trên cả nước do nhiều nguyên nhân, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, trình độ dân trí, nguồn nhân lực,… Đặc biệt, thực trạng phát triển không đồng đều giữa các trung tâm logistics tại các vùng trên cả nước là do khoảng cách ngày càng lớn về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương các tỉnh, đến hết năm 2021 trên địa bàn cả nước đã xây dựng và phát triển 79 trung tâm logistics trong đó 48 trung tâm đã đi vào hoạt động, 31 trung tâm đang trong quá trình triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022, 2023.
Hiện nay chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới, nhưng đến giai đoạn 2017 – 2021 ngành logistics Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt mốc 700 tỷ USD tăng khoảng 60% so với năm 2017 và tăng hơn 20% so với năm 2020. Đây chính là minh chứng cho tốc độ tăng trưởng khả quan trong thời gian qua.
Theo Bộ Công Thương, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn hạn chế, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, trong khi khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của quốc tế.
Nguyên nhân tiếp theo nữa đó là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, trong khi chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.
Vậy, giải pháp nào để cải thiện ngành logistics Việt Nam, đưa ngành này trở thành ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, cần có sự đột phá trong đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho tương xứng, phù hợp với thực tế. Trong đó, cần có chính sách thu hút, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những tuyến, luồng vận tải vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Song Hà