Việt Nam với cam kết Net Zero vào năm 2050, theo đánh giá không chỉ ở tầm quốc gia mà vấn đề đặt ra cho từng ngành, từng doanh nghiệp đã, đang và sẽ hướng tới mục tiêu này như thế nào? Các cơ chế chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp ra sao, doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội?
Ngày 2/7/2024 tới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp với Informa Markets Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Đổi mới cách tiếp cận: Sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế lần thứ 20 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo – MTA Vietnam 2024 diễn ra từ ngày 2-5/7/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ của hơn 300 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả cùng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu sẽ góp phần làm rõ, cung cấp thông tin, nhóm giải pháp, cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi kép “Sản xuất thông minh, Hành trình Net Zero” để cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ vai trò, vị trí của sản xuất thông minh cũng như tính cấp thiết trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm góp phần thực hiện cam kết tại hội nghị COP 26 trong việc chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển xanh, phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
MTA Vietnam 2024 diễn ra trong bối cảnh sản xuất đang chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh đã và đang được triển khai rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản xuất, trở thành xu thế tất yếu. Nhà máy thông minh (Smart Factory) với yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như internet vạn vật (IoT), thực tế ảo tăng cường (ARVR), thị giác máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) áp dụng vào sản xuất, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất hiện đại cũng đòi hỏi sự chuyển đổi phải vừa “thông minh” vừa phải “xanh”, điều đó có nghĩa sản xuất hiện đại phải đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí hướng đến phát thải ròng bằng “0”. Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của lãnh đạo nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế trên thế giới và các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) chia sẻ: “Sản xuất thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp thành công trong kỷ nguyên số. Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ hoạt động và công nghệ thông tin, sản xuất thông minh đã mang lại lợi ích to lớn, giúp các doanh nghiệp gia tăng hiệu quả, tối ưu hoá quy trình và nâng tầm vị thế cạnh tranh”.
“Cam kết Net Zero cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đây cũng là tiền đề để mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cam kết phát triển bền vững của các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số là tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0”, TS Nguyễn Quân chia sẻ thêm.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 vừa là tham vọng nhưng cũng là một thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái với chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín cùng cam kết phát triển bền vững của các doanh nghiệp được coi là giải pháp hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, dù đây không phải điều dễ dàng.
Đạm Lê Quang