Sử dụng công nghệ mới để in 3D tòa nhà bằng bê tông thật lớn nhất thế giới Tăng trải nghiệm cá nhân hóa trong cabin ô tô nhờ các công nghệ mới |
Các nhà khoa học tại Đại học Chicago và Phòng thí nghiệm Argonne National Lab (Hoa Kỳ) đang đặt nền móng cho một bước tiến mới với công nghệ lưu trữ đĩa quang. Bằng cách tận dụng các nguyên tố đất hiếm và lỗi lượng tử (quantum defects), công nghệ mới này có thể tăng khả năng lưu trữ dữ liệu vượt trội so với giới hạn hiện nay.
Đĩa CD/DVD có thể “hồi sinh” nhờ đột phá trong công nghệ lưu trữ. Ảnh minh họa: IT. https://tudonghoangaynay.vn/ |
Lưu trữ quang truyền thống như CD và DVD đã luôn gặp phải giới hạn về mật độ dữ liệu do giới hạn nhiễu xạ của ánh sáng. Giới hạn này tồn tại vì các bit dữ liệu không thể nhỏ hơn bước sóng của tia laser dùng để đọc và ghi dữ liệu.
Nhưng với việc tích hợp các nguyên tố đất hiếm, như các tinh thể oxit magie (MgO) vào vật liệu lưu trữ, các nhà nghiên cứu tin rằng họ có thể vượt qua giới hạn này. Nhờ kỹ thuật được gọi là "ghép kênh theo bước sóng" (wavelength multiplexing), mỗi nguồn phát từ đất hiếm có thể hoạt động ở một bước sóng ánh sáng hơi khác nhau, cho phép tích hợp nhiều dữ liệu hơn vào cùng một không gian lưu trữ.
Trước hết, các nhà khoa học phải xử lý vấn đề vật lý của hệ thống này và lập mô hình cho tất cả các yêu cầu để xây dựng nguyên mẫu. Họ đã mô phỏng một vật liệu rắn lý thuyết được tích hợp các nguyên tử đất hiếm có khả năng hấp thụ và tái phát ánh sáng. Các mô hình này cho thấy cách các lỗi lượng tử gần đó có thể hấp thụ và lưu trữ ánh sáng phản chiếu từ nguyên tử đất hiếm.
Một phát hiện quan trọng là khi một lỗi lượng tử hấp thụ năng lượng ánh sáng từ các nguyên tử đất hiếm lân cận, trạng thái spin của nó sẽ bị lật. Sau khi lật, trạng thái này gần như không thể quay lại như cũ, có nghĩa là các lỗi này có thể lưu trữ dữ liệu trong thời gian dài.
Ảnh minh họa: IT. https://tudonghoangaynay.vn/ |
Dù là một bước tiến hứa hẹn nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Nhóm nghiên cứu đã quảng bá rằng công nghệ này có thể đạt mật độ lưu trữ "siêu cao", nhưng họ vẫn chưa đưa ra con số cụ thể so với các đĩa lưu trữ hiện tại. Mặc dù vậy, các nhà khoa học lạc quan gọi đây là "một bước tiến lớn".
Chuyển đổi công nghệ này thành sản phẩm thương mại sẽ cần thêm nhiều năm nghiên cứu và phát triển, nhưng nếu thành công, đây sẽ là một bước đột phá trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu, giúp "hồi sinh" đĩa CD và mở ra nhiều ứng dụng mới trong tương lai.
Bạn có biết tuổi thọ của đĩa CD và DVD? Theo một số nghiên cứu cho rằng, đĩa CD và DVD do nhà máy sản xuất có thể tồn tại tới 20 năm hoặc hơn với điều kiện sử dụng và bảo quản lý tưởng, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy chúng có thể bắt đầu xuống cấp chỉ sau vài năm. Một nghiên cứu do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) thực hiện cho thấy, tuổi thọ của đĩa CD/DVD có thể dao động từ ít nhất là 20 đến hơn 30 năm. Còn đĩa CD và DVD được ghi tại nhà có tuổi thọ ngắn hơn đáng kể so với đĩa ghi tại nhà máy. Lý do là việc ghi tại nhà thường được thực hiện trên các đĩa chất lượng thấp, dễ bị hỏng và xuống cấp. Đối với mục đích sao lưu, người dùng có thể mua các đĩa trắng cấp lưu trữ đặc biệt, nếu được xử lý đúng cách sẽ có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Việc tuổi thọ đĩa CD và DVD kéo dài trong bao lâu còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản. Ánh sáng mặt trời có thể làm cho các lớp phim trên đĩa bị ôxy hóa và bong tróc. Nhiệt độ cao hoặc quá thấp có thể làm cho đĩa bị biến dạng hoặc hỏng. Độ ẩm cao khiến đĩa bị ẩm ướt và bị hỏng vĩnh viễn. Các yếu tố như bụi bẩn cũng là nguyên nhân gây trầy xước và làm cho đĩa không đọc được. |
Thu Thủy (tổng hợp từ Techspot, The Library of Congress)