GenAI Summit 2024: Nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ Al thế giới |
Tiến sĩ Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google và đồng sáng lập Google Brain, Google Translate và Gemini chia sẻ thông tin tại GenAI Summit 2024. |
GenAI Summit 2024 diễn ra ngày 18/8/2024 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh đang rất nóng trên nhiều diễn đàn công nghệ, bởi lần đầu tiên Việt Nam đã quy tụ được những nhân tài hàng đầu thế giới trong mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs). Chủ đề “Chân trời mới” của Trí tuệ Nhân tạo Tạo sinh được khai mở một cách sâu sắc và thực tế từ nghiên cứu với “Mô hình nền tảng của GenAI”, đến ứng dụng trong các ngành, mối quan hệ với con người ở kỷ nguyên mới trong “Ứng dụng thực tiễn của GenAI” và “Cơ hội cho Việt Nam”.
Mở đầu cho hội nghị là sự xuất hiện của Tiến sĩ Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google và đồng sáng lập Google Brain, Google Translate và Gemini. Jeff Dean, được mệnh danh là “The God of Engineering” tại Google, ông không chỉ là biểu tượng của sự đổi mới mà còn là nhịp cầu quan trọng giữa toán học và trí tuệ nhân tạo. Các công nghệ mà ông đồng sáng tạo đã đóng vai trò chủ chốt trong việc củng cố vị thế thống trị công nghệ của Google trên toàn cầu. Sự tham gia của ông tại GenAI Summit 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ các góc nhìn có chiều sâu về các mô hình ngôn ngữ lớn và các tiến bộ kỹ thuật mới nhất về công nghệ AI.
Ngoài Tiến sĩ Jeff Dean, những diễn giả được mong chờ đó là các nhân vật “kỳ tài” AI gốc Việt như Tiến sĩ Lê Viết Quốc, Tiến sĩ Lương Minh Thắng, những nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu về AI được thế giới ngưỡng mộ và là niềm tự hào của cộng đồng khoa học Việt Nam. Họ là những cây cầu kết nối cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam với tâm điểm của thế giới về sáng tạo công nghệ, đặc biệt hiện nay là công nghệ GEN AI tại Silicon Valley.
Tiến sĩ Lương Minh Thắng là nhà nghiên cứu khoa học cao cấp tại Google DeepMind, đồng sáng lập Viện New Turing. Vừa qua, ông là khách mời danh dự tại Olympic Toán quốc tế (IMO) tổ chức tại Luân Đôn (Anh Quốc) vào tháng 7/2024, một giải thưởng tôn vinh những người đam mê Toán học đã tròn 50 năm. TS. Lương Minh Thắng dẫn dắt đội tuyển Alpha Geometry giành Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế 2024. Cuộc thi này đã quy tụ những tài năng toán học trẻ sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới, đẩy giới hạn cả của con người và máy móc.
Tại cuộc thi này có sự giới thiệu AlphaGeometry, một phần mềm AI tiên phong do ông điều hành và phát triển. AlphaGeometry đã thành công trong việc giải quyết 25 trong số 30 bài toán cấp độ Olympic, một thành tích tương đương với các nhà vô địch huy chương vàng IMO.
Tiến sĩ Jeff Dean tham dự GenAI Summit 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ các góc nhìn có chiều sâu về các mô hình ngôn ngữ lớn và các tiến bộ kỹ thuật mới nhất về công nghệ AI. |
TS. Lương Minh Thắng nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford năm 2016 và gia nhập Google, ông đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra các mô hình tinh vi trong xử lý ngôn ngữ và thị giác, bao gồm QANet và ELECTRA. Sự tham gia trong dự án Meena sau này phát triển thành LaMDA và hiện nay là Gemini đã giúp ông trở thành một kiến trúc sư quan trọng trong bối cảnh AI. Những kết quả nghiên cứu của của TS. Lương Minh Thắng đã được thể hiện rõ trong bài viết gần đây của The New York Times, đưa tin về tác động sâu sắc của AI trong các môi trường cạnh tranh như IMO.
Một nhà khoa học đáng ngưỡng mộ và là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ hiếu học tại Việt Nam là Tiến sĩ Lê Viết Quốc. Ông là nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Việt xuất sắc và là nhân vật hàng đầu trong nghiên cứu học máy tại Google. Ông là người đồng sáng lập Google Brain và đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các mô hình đột phá như seq2seq và doc2vec, cả hai đã tiến xa đáng kể trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. TS. Lê Viết Quốc cũng là người khởi xướng dự án AutoML tại Google Brain, thúc đẩy tự động hóa các nhiệm vụ học máy. Công trình sáng tạo của ông đã giúp ông được công nhận là một trong những “Nhà đổi mới dưới 35 tuổi” của MIT Technology Review và củng cố vị thế của một người tiên phong trong lĩnh vực AI. Tiến sĩ Lê Viết Quốc sẽ mở đầu cho phiên buổi chiều của Hội nghị với nội dung “GenAI Worldwide & Opportunities in Vietnam”.
Tiến sĩ Vũ Duy Thức - Đồng sáng lập Viện New Turing, là CEO và đồng sáng lập OhmniLabs, một công ty chế tạo robot tại Silicon Valley. Trước đây, ông đã sáng lập hai công ty khởi nghiệp được Google và Weey.co mua lại. Với bằng Tiến sĩ từ Stanford, ông có chuyên môn sâu về AI và học máy. Bên cạnh đam mê sáng tạo công nghệ TS. Vũ Duy Thức còn dành tâm huyết phát triển cộng đồng doanh nhân công nghệ tại Việt Nam, thông qua việc sáng lập tổ chức VietSeed để cấp học bổng hỗ trợ cho những học sinh tài năng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2017 TS. Vũ Duy Thức được Tạp chí Business Silicon Valley vinh danh là một trong 40 người dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng tại Silicon Valley.
GenAI Summit 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định chính là “Nơi gặp gỡ những nhà tiên phong AI và “quái kiệt” toán học”. |
Một nhà toán học khác có mặt tại Hội nghị lần này đó là GS. Tiến sĩ Po-Shen Loh. Ông là Giáo sư Toán học tại Đại học Carnegie Mellon và là Huấn luyện viên đội tuyển Olympic Toán quốc tế Hoa Kỳ từ năm 2014 - 2023. Dưới sự lãnh đạo của ông, đội tuyển Mỹ đã đạt thành công vang dội, nhiều lần giành giải nhất tại IMO. GS.TS Po-Shen Loh đã xuất bản hàng chục bài báo trên các tạp chí uy tín và nhận được nhiều giải thưởng cho công trình của mình. Ông là một giáo sư có khả năng truyền đạt các khái niệm toán học phức tạp theo cách dễ hiểu và truyền cảm hứng.
Các diễn giả của GenAI Summit 2024, gần như đều có một điểm xuất phát chung là “quái kiệt” toán học. Toán học là động lực thúc đẩy họ phát triển và ứng dụng vào các ngành công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs). Với mối liên kết chặt chẽ giữa toán học và công nghệ AI, câu chuyện hành trình mà các nhà tiên phong AI hàng đầu thế giới mang đến thật sự là một điểm sáng, một nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học và kỹ sư tại Việt Nam nói riêng và tất cả những ai đã và đang theo đuổi sự kết hợp của hai lĩnh vực này để tạo ra những đột phá công nghệ mới nói chung.