Bàn về chè và trà |
Gia đình tôi, nội ngoại đều là Hà Nội gốc cả. Hồi trẻ con, tôi còn được cụ nội (người sinh ra ông nội tôi) và cụ ngoại (bà sinh ra ông ngoại tôi) chăm bẵm. Tôi cũng được sống cùng bà nội, bà ngoại (vợ kế của ông ngoại tôi), với mẹ tôi và ba chị em gái trong nhà. Sau này, lập gia đình, tôi lại được tiếp xúc với các lớp người với tuổi tác, địa vị khác nhau và cũng có quan sát một vài kiểu tóc cùng những biến đổi qua thời gian. Vậy là tôi cũng có được chút nhận thức về các kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám (1945) cho tới các thế hệ kế tiếp.
Thiếu nữ Hà Nội xưa - Ảnh tư liệu |
Trong ca dao cổ có câu: “Một yêu tóc để đuôi gà.” Tôi cũng không hiểu cái đuôi gà ấy nó ra làm sao nhưng sau này, khi hỏi cụ bố vợ tôi, họa sĩ Phạm Văn Đôn - ông nghiên cứu dòng tranh khắc Đông Hồ, tranh Hàng Trống và sáng tác các tranh Tố nữ, tôi mới hiểu được thì ra cái đuôi gà nó là như thế. Người con gái cuốn vành khăn trên đầu nhưng thả một lọn tóc quăn quăn nom tựa cái đuôi con gà, hơi lệch về một bên ở phía sau đầu. Quả thực cái lối để tóc thả đuôi gà này tôi chưa từng thấy ở các cụ tôi, bà tôi. Có lẽ nó chỉ là lối để tóc của các cô gái trẻ trong ngày hội thuở xưa hay trong các sân chèo cửa đình.
Cụ tôi, bà nội, bà ngoại tôi đều vấn tóc thành vòng tròn quanh trán. Các cụ vấn tóc trần, mà đôi khi cũng độn khăn vải bên ngoài.
Đến thời mẹ tôi thì bà vẫn vấn tóc, nhưng khăn cuốn quanh tóc lại là khăn nhung the đen. Mẹ chỉ cuốn nhung the đen mỗi khi mặc áo dài để ra phố, còn ở nhà thì vấn tóc trần. Tôi không thể hình dung ra bà làm cách nào mà cho vào được bên trong mớ tóc một cái độn bằng vải nhồi bông may kín lại trông như một con lươn. Không biết các chị và các em gái tôi có còn nhớ không vì đến thời chị tôi thì đã chẳng còn ai vấn tóc nữa.
Người con gái cuốn vành khăn trên đầu nhưng thả một lọn tóc quăn quăn nom tựa cái đuôi con gà |
Có thể nói cách vấn tóc thành một vòng tròn trên đầu là kiểu để tóc phổ biến của người Hà Nội từ đời cụ đời kỵ tôi cho đến đời bà tôi, nó từ từ kết thúc ở thế hệ mẹ tôi và mất đi sau những năm 50 của thế kỷ trước.
Những năm 40 của thế kỷ trước, thế hệ mẹ tôi, những phụ nữ Hà Nội thuộc trào lưu “tân thời” là những người đã “ly dị” lối để tóc, nhuộm răng xưa của các cụ.
Mẹ tôi xưa nhuộm răng đen, vấn khăn nhung đen, ăn trầu nhưng những năm 50, bà cũng theo chị em thời ấy đi tẩy răng đen. Tuy thế, bà vẫn tiếp tục giữ nếp vấn khăn và để tóc dài. Bà dì em mẹ tôi, kém mẹ dăm tuổi, thì đã có cách để tóc khác mẹ. Bà chải bồng phía trước và búi tó sau lưng, mặc áo dài tân thời, để răng trắng, đeo kiềng vàng. Mẹ tôi kể là các cụ thời trước nói rằng: “Để răng trắng nhởn, cắt tóc phi dê trông không khác gì me Tây, gái nhẩy.” Các cụ trong làng thấy con gái để răng trắng ngoài phố về thì khó chịu lắm.
Cách để tóc tân kỳ, mặc áo dài tân thời bắt đầu xuất hiện vào thế hệ của mẹ tôi, mẹ vợ tôi, mỗi người canh tân một cách, ta đều có thể thấy rõ trong các tấm ảnh chụp thời bấy giờ cũng như qua những bức tranh thiếu nữ Hà Nội của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng…
Thế hệ mẹ tôi và một phần thế hệ cô tôi, dì tôi, chị tôi vẫn để tóc dài, hoặc vấn tóc thành vành khăn trước trán hay để dài nhưng búi tó sau lưng, phía trước chải đầu ngôi rẽ giữa hay chải bồng. Các thiếu nữ thì để tóc dài và thả sau lưng, có kẹp chiếc cặp ba lá.
Sang đến thế hệ chúng tôi, những người sinh ra vào giữa và sau những năm 40 thì kiểu tóc của người con gái Hà Nội đã khác lạ. Cái lề thói cổ xưa của người con gái đài các đã bị xã hội đô thị nửa phong kiến nửa thực dân làm thay đổi, từ chỗ vấn khăn chuyển sang để dài kẹp tóc bằng cặp ba lá hoặc búi tó củ hành, chải bồng phía trước cho đến cắt ngắn, phi dê xoăn tít. Người Hà nội tiếp xúc với cái tân kỳ từ Âu châu đem vào là thế.
Đến sau 1954, tức là sau khi Thủ đô được giải phóng, một trào lưu thay đổi kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội đã diễn ra một cách mạnh mẽ nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng đầu tóc.
Những nữ cán bộ cách mạng từ chiến khu về tiếp quản đã đem theo lối ăn mặc mới, lối để tóc mới. Người phụ nữ kháng chiến trở về không mặc áo dài mà chỉ mặc áo ngắn hoặc đại cán. Hầu như không ai cuốn khăn, để tóc dài mà cắt ngắn ngang vai cho gọn. Có người không muốn cắt bộ tóc dài nâng niu bao năm thì tết thành đuôi sam rồi cuốn lại sau lưng. Có chị lại học theo phim Trung Quốc, cắt tóc kiểu “Hỉ Nhi” để mái ngắn ngang mày, hai bên tết đuôi sam và đeo hai cái nơ. Có người thì tết bộ tóc thành một cái đuôi sam dài thườn thượt. Bà xã tôi thuở thiếu nhi cũng để tóc kiểu cô Hỉ Nhi nhí nhảnh trong phim, nay lục lại ảnh vẫn còn.
Sau này, tiệm uốn tóc ngày càng nhiều, người ta vận động nữ thanh niên uốn tóc cao cho gọn gàng. Để tóc dài dễ gây ra tai nạn lao động do tóc bị cuốn vào máy nên hầu hết nữ công nhân đều phi dê cho gọn, cho an toàn.
Theo đà mở cửa kinh tế, các thế hệ trẻ sau này luôn thay đổi tóc và cách ăn mặc, lăng xê đủ mốt, đặc biệt là “lấy mẫu” từ phim ảnh nước ngoài hay các nghệ sĩ sân khấu qua từng thời.
Đôi khi bắt gặp một mái tóc dài trên phố, tôi hay nhớ về hình ảnh Hà Nội xưa, cái thời chỉ thoáng qua dáng đi mái tóc nụ cười là đã nhận ra đấy là cô gái Hà Nội.
Tác giả Vũ Thế Long