Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) được biết đến là công ty con của Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (MBBank - MBB), do MB sở hữu 50% vốn điều lệ. MCredit thành lập từ tháng 3/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực trung gian tiền tệ, cấp tín dụng, cho vay tài chính tiêu dùng…
Công ty ban đầu có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, ngoài MB sở hữu 50% còn có Shinsei Bank Limited góp 49% và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành góp 1%.
Cuối tháng 6/2024 vừa qua, MCredit phát hành thành công lô trái phiếu mã MSFCLH2430001 trị giá 300 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm, đáo hạn vào tháng 6/2030 với lãi suất 6,98%/năm.
Bên cạnh đó, MCredit còn lưu hành thêm 7 lô trái phiếu khác, trong đó có 4 lô phát hành năm 2022 và 3 lô phát hành năm 2021.
Đáng chú ý, sau năm 2022 bùng nổ với số lãi sau thuế đạt 960 tỷ đồng, Công ty tài chính tiêu dùng MCredit đã trải qua năm tài chính 2023 với lợi nhuận giảm mạnh. Hiện tại, MCredit tiếp tục đối mặt với năm 2024 đầy thách thức.
Vừa qua, MCredit công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên năm 2024 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Nguồn: HNX |
Theo đó, công ty con của ngân hàng MB lãi sau thuế 43 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, giảm sâu 87% so với cùng kỳ 2023.
Vốn chủ sở hữu tại MCredit tính đến 30/6/2024 ghi nhận 3.038 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh ảm đạm nên tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 1,39% trong khi cùng kỳ 2023 đạt tới 21,92%.
Hiện MCredit cũng đang đối mặt với áp lực nợ gia tăng. Tính đến thời điểm 30/6/2024, tỷ lệ nợ phải trả cao gấp hơn 8 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng nợ phải trả ghi nhận mức gần 24.900 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số nợ phải trả, có xấp xỉ 1.100 tỷ đồng nợ trái phiếu, chiếm 36% tổng vốn chủ sở hữu.
Từ con số trên, ước tính tổng tài sản của Mcredit ở mức 27.938 tỷ đồng và nợ phải trả chiếm gần 89% nguồn vốn doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, công ty mẹ ngân hàng MBBank cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng cao. Tổng cho vay khách hàng tính đến 30/6/2024 đạt hơn 673.799 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ xấu tại MBBank đạt 11.022 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 14%, đạt 3.665 tỷ đồng; Đặc biệt, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh 30% đạt 4.816 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 12%, xuống còn 2.541 tỷ đồng.
Đặc biệt, có một nhóm được gọi là nợ cần chú ý (nợ nhóm 2). Khách hàng sẽ bị xếp vào nhóm này nếu trễ hạn trả nợ từ 10 - 90 ngày (3 tháng). Tại MB, nợ nhóm 2 giảm 11% so với đầu năm nhưng vẫn ở mức khá cao, ghi nhận hơn 12.370 tỷ đồng.
Nợ nhóm 2 thường được coi như chỉ báo sớm cho tình hình nợ xấu của các ngân hàng. Trong thời kỳ khó khăn, các khoản nợ nhóm 2 có thể bị nhảy nhóm và trở thành nợ xấu. Ngược lại nếu diễn biến tích cực, nợ nhóm 2 có thể trở lại nhóm 1.
Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng MB (Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2024 tại MB). |
Tại Hội nghị Nhà đầu tư Cập nhật kết quả kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của MB tổ chức hồi đầu tháng 8, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT, cho biết tỷ lệ nợ xấu của MCredit đang ở mức khoảng 8%.
Ông Thái tiết lộ thêm rằng MB đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh từ cho vay tiền mặt sang cho vay dựa trên dữ liệu và cho vay trả góp. Chủ tịch Thái khẳng định rằng MB vẫn chủ trương mở rộng danh mục cho vay của Mcredit ở mức hợp lý. Tuy nhiên, năm nay, khả năng tăng trưởng tín dụng ở ngành tài chính tiêu dùng không lớn.
Huy Tùng - Hoàng Trang