Vòng Chung kết MECA 2025 diễn ra tại Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), quy tụ 21 đội thi xuất sắc từ 14 trường đại học kỹ thuật trên cả nước. Cuộc thi mang đến sân chơi uy tín cho sinh viên ngành tự động hóa, giúp họ áp dụng kiến thức vào thực tiễn qua việc thiết kế các giải pháp máy móc hiệu quả, tối ưu chi phí và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, thí sinh còn được rèn luyện kỹ năng mềm như thuyết trình và phản biện ý tưởng trước ban giám khảo gồm đại diện Hội Tự động hóa Việt Nam, doanh nghiệp và các trường đại học. MECA 2025 không chỉ là nơi trình diễn tài năng công nghệ mà còn là bước đệm quan trọng giúp sinh viên trưởng thành, sẵn sàng gia nhập đội ngũ kỹ sư trẻ chất lượng cao trong tương lai.
Phát biểu tại vòng Chung kết cuộc thi, TS. Dương Nguyên Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tự động hoá Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Hội đồng hành cùng chương trình với vai trò cố vấn và bảo trợ thông tin, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Mitsubishi Electric Việt Nam vì những nỗ lực bền bỉ trong việc tổ chức cuộc thi, cũng như Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã hỗ trợ đăng cai vòng Chung kết.
"Đây là một sân chơi học thuật giàu giá trị thực tiễn, góp phần khơi dậy đam mê công nghệ, khả năng sáng tạo và tư duy ứng dụng trong sinh viên khối ngành kỹ thuật - tự động hóa. Chúng tôi tin rằng MECA sẽ tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên, góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư trẻ chất lượng cao cho ngành công nghiệp tự động hóa Việt Nam" - TS. Dương Nguyên Bình khẳng định.
 |
TS. Dương Nguyên Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tự động hoá Việt Nam phát biểu tại vòng Chung kết MECA 2025 |
MECA 2025 hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng và phát triển năng lực kỹ sư trẻ, những người góp phần xây dựng xã hội bền vững. Cuộc thi tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thiết bị hiện đại từ Mitsubishi Electric, đồng thời áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn qua thiết kế và chế tạo các mô hình tự động hóa có tính ứng dụng cao.
Năm nay, các đội thi được yêu cầu đưa ra giải pháp thiết kế máy vừa đảm bảo hiệu suất, tối ưu chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Ngoài chuyên môn, MECA 2025 còn chú trọng phát triển kỹ năng mềm như thuyết trình và phản biện ý tưởng. Các đội phải trình bày sản phẩm trước hội đồng giám khảo gồm đại diện Hội Tự động hóa Việt Nam, doanh nghiệp và nhà trường.
Đại diện ban tổ chức nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để các em được đánh giá và nhận góp ý trực tiếp từ những tên tuổi đầu ngành". Trong vòng Chung kết, 21 đội thi đã trực tiếp trình bày và phản biện các dự án do chính mình chế tạo. Những ý tưởng sáng tạo cùng khả năng ứng dụng thực tiễn đã khẳng định tiềm năng và bản lĩnh của thế hệ kỹ sư trẻ Việt Nam.
 |
TS. Đỗ Mạnh Cường (áo trắng), giảng viên Khoa Tự động hoá Trường Điện - Điện tử (HUST), Phó Tổng Thư kí Hội Tự động hoá Việt Nam là thành viên Ban Giám khảo của cuộc thi |
 |
Các đội thi trình bày sản phẩm trước hội đồng giám khảo gồm đại diện Hội Tự động hóa Việt Nam, doanh nghiệp và nhà trường |
Kết quả chung cuộc, đội NexCore đến từ Đại học Công nghiệp TP.HCM giành giải Nhất với đề tài “Máy dán linh kiện điện tử tự động sử dụng công nghệ gắn bề mặt - Surface Mount Technology”. Giải Nhì thuộc về đội SKH - PREMIUM đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên và giải Ba thuộc về đội SVK-TP-01 đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải.
 |
Đội NexCore từ IUH giành giải Nhất với đề tài "Máy dán linh kiện điện tử tự động sử dụng công nghệ gắn bề mặt - Surface Mount Technology". |
 |
Giải Ba thuộc về đội SVK-TP-01 đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải |
Tại cuộc thi năm nay, dự án “Hệ thống AIoT tích hợp cánh tay robot và robot tự hành hỗ trợ phân loại và vận chuyển hàng hóa trong nhà máy thông minh” của đội SEEE - AUTO - 01 (Trường Điện - Điện tử, thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội) gây ấn tượng mạnh với mô hình mô phỏng một quy trình sản xuất hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thị giác máy tính và robot công nghiệp.
Hệ thống gồm bốn thành phần cốt lõi: cánh tay robot SCARA thực hiện phân loại sản phẩm dựa trên dữ liệu từ hệ thống xử lý ảnh; robot tự hành AGV đảm nhiệm việc vận chuyển sản phẩm đến đúng vị trí trong kho; hệ thống xử lý ảnh còn có chức năng nhận diện và kiểm tra lỗi trên các mạch PCB sau công đoạn hàn dán bề mặt; cuối cùng là hệ thống quản lý trung tâm có vai trò điều phối toàn bộ hoạt động của các thành phần. Tất cả được kết nối và vận hành đồng bộ thông qua nền tảng IoT, giúp quá trình nhận diện - phân loại - vận chuyển diễn ra hoàn toàn tự động, chính xác và hiệu quả.
Được thiết kế với khả năng điều khiển đa robot (multi-robot), hệ thống cho thấy tính linh hoạt cao và dễ dàng mở rộng khi triển khai ở các môi trường sản xuất thực tế quy mô lớn. Bên cạnh đó, hệ thống còn tích hợp nhiều tính năng giám sát và thống kê như: kiểm soát chất lượng sản phẩm, theo dõi hiệu suất hoạt động thiết bị, lưu trữ dữ liệu sản xuất và hỗ trợ phân tích, hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái sản xuất thông minh, tối ưu vận hành và nâng cao hiệu quả quản lý, ra quyết định.
Chia sẻ sau cuộc thi, sinh viên Vũ Duy Mạnh - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "MECA 2025 giống như một phòng lab mở rộng, nơi chúng em được kiểm chứng kiến thức, tiếp cận các công nghệ mới như thị giác máy tính, điều khiển robot, IoT,… Điều tuyệt vời nhất là chúng em luôn nhận được sự đồng hành sát sao từ thầy hướng dẫn, TS. Nguyễn Tiến Kiệm cùng các thầy, cô trong khoa và nhà trường. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để chúng em kiên trì đến phút cuối cùng".
 |
Thành viên của đội SEEE - AUTO – 01 cùng mô hình đạt giải thưởng |
Sự kiện không chỉ ghi dấu thành tích nổi bật của các đội thi mà còn lan tỏa tinh thần đam mê nghiên cứu, khám phá công nghệ đến các thế hệ sinh viên. Việc tích cực tham gia các sân chơi học thuật như MECA, STARTUP, Robocon, Olympic Cơ học, Tin học,... chính là minh chứng cho khát vọng chinh phục công nghệ và hội nhập của thế hệ kỹ sư trẻ: năng động - bản lĩnh - sáng tạo và sẵn sàng làm chủ tương lai.
MECA là cuộc thi thường niên do Công ty Mitsubishi Electric Việt Nam tổ chức, nhằm tạo sân chơi học thuật cho sinh viên kỹ thuật, khuyến khích ứng dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua các mô hình công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, nông nghiệp và đời sống. Năm 2025, MECA thu hút hàng trăm đề tài từ các trường đại học kỹ thuật hàng đầu. Vòng Chung kết diễn ra với 21 đội thi từ trường Điện - Điện tử (SEEE) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Điện - Điện tử (SEEE) thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Thủy Lợi (TLU), trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (TNUT), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY), trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC), Đại học Công nghiệp Hà Nội (HAUI), Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (UD-DUT),... Từ năm 2025, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) chính thức tham gia bảo trợ cho cuộc thi. |