Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật |
Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần xử lý, giải quyết. Do đó, mục tiêu xây dựng dự án luật này này là nhằm hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Được Quốc hội thông qua năm 2006, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc sửa đổi Luật lần này sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, về cơ bản các chính sách được sửa đổi, bổ sung đã thể hiện những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cần cụ thể hoá các chính sách này thành các điều khoản cụ thể, thể hiện rõ hơn quan điểm, chính sách của Nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, Ủy ban KHCN&MT đề nghị quy định đầy đủ, chi tiết hơn nữa các nội dung này, trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới.
Tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng tiêu chuẩn
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: ĐBND |
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ lý do tại sao Việt Nam lại có cả tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia cùng song song tồn tại. Bởi qua thông tin nghiên cứu thì rất ít quốc gia ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Cho ý kiến về chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng để luật hóa quy định này thì không chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, mà nên giao Hội, Hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành một số tiêu chuẩn.
Theo đó, nên thiết lập 2 loại tiêu chuẩn là Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng (TCH) theo nguyên tắc: TCVN do nhà nước xây dựng, tập trung nguồn lực vào xây dựng các Tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn các lĩnh vực khác, yêu cầu phải chứng nhận sự phù hợp thì nên trao quyền cho các Hội, Hiệp hội ban hành.
Việc thiết lập cơ chế để các Hội, Hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội và cho phép các hiệp hội đủ điều kiện ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm.
Các Hội, Hiệp hội có thể chủ động quy hoạch số lượng tổ chức chứng nhận, thử nghiệm hỗ trợ công tác quản lý chương trình chứng nhận của Hội. Nhà nước bảo hộ Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với các Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng.
Đóng góp ý kiến về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nguồn lực cho xây dựng TCVN hiện nay chủ yếu từ ngân sách Nhà nước nên rất hạn chế, dẫn đến số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hằng năm chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, tổ chức và doanh nghiệp.
Việc bổ sung một số quy định trong dự thảo luật đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư và hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, cần rà soát, quy định đầy đủ, chi tiết hơn về chính sách xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn.
Trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể như hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới như: Kiểm kê, xác nhận khí thải nhà kính; phát triển bền vững; năng lượng sạch…
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 19 điều trên tổng số 71 điều (chiếm 26,7%) của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy định này đã thể hiện đầy đủ 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Cụ thể như: Hoàn thiện các quy định đảm bảo tuân thủ cam kết thực hiện Hiệp định WTO/TBT và các FTA thế hệ mới, phù hợp với thông lệ quốc tế liên quan đến khái niệm, thuật ngữ, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia, minh bạch hóa về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, lập báo cáo đánh giá tác động của quy chuẩn kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp xuyên biên giới. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật. Bổ sung quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đổi mới hoạt động xuất bản, phát hành TCVN theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiệu quả. Hoàn thiện quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp nhằm nội luật hoá các cam kết tại các FTA thế hệ mới, đồng thời đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững... |
Hồng Minh (tổng hợp)