Nguồn thu ngoài lãi giảm mạnh khiến lợi nhuận tại ngân hàng ACB lao dốc
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với kết quả kinh doanh không mấy lạc quan.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III đạt 4.844 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 3.870 tỷ đồng, cùng giảm 4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế tại ACB đạt hơn 15.334 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 12.244 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2%.
Cụ thể, quý III/2024, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 11% lên hơn 6.881 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như lãi thuần từ dịch vụ giảm nhẹ 2% xuống còn 747 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 47% xuống còn 166,6 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 95% còn 47 tỷ đồng. Ngược lại, chỉ có lãi thuần từ hoạt động khác tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 202,7 tỷ đồng.
Do đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh quý III/2024 giảm 6% chỉ thu về hơn 5.202 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 31%, chỉ trích ra hơn 358 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận tại ACB trong quý III giảm nhẹ 4%.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần tại ngân hàng ACB tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 20.714 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 8% đạt gần 2.370 tỷ đồng; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 24% lên hơn 226 tỷ đồng. Trong khi đó, một số nguồn thu sụt giảm so với cùng kỳ gồm lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 24%; lãi từ chứng khoán đầu tư giảm đến 82% và lãi từ hoạt động khác giảm 37%.
Chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm tăng nhẹ 4% lên hơn 8.163 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên. Thêm vào đó, ngân hàng ACB trích hơn 1.458 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm nhẹ 2%. Do đó lãi trước thuế chỉ tăng nhẹ 2% lên hơn 15.334 tỷ đồng.
Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ACB thực hiện được 70% mục tiêu lãi trước thuế 22.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm.
Lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại ACB trong 9 tháng đầu năm 2024 cũng âm tới 29.149 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 13.146 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản Ngân hàng tăng 8% so với đầu năm, lên gần 777.393 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 55% còn 8.392 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng (TCTD) khác giảm 20% còn 92.090 tỷ đồng; tiền mặt giảm 15% xuống còn 5.870 tỷ đồng.
Đặc biệt, cho vay khách hàng tăng gần 14%, ghi nhận 554.908 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua.
Tính đến 30/9/2024, tổng nợ phải trả tại ACB ghi nhận hơn 698.538 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng ACB chỉ tăng 6% so với đầu năm, lên mức 512.123 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA ở mức 22,2%; Phát hành giấy tờ có giá tăng vọt 72% lên hơn 90.366 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh
Điểm tối trong bức tranh tài chính tại ngân hàng ACB chính là chất lượng tín dụng.
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ngân hàng ACB (nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2024). |
Tính đến 30/9/2024, nợ xấu tại ACB tăng tới 41% so với đầu năm, lên mức hơn 8.275 tỷ đồng kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay tăng từ 1,22% hồi đầu năm lên 1,51%.
Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 73% tổng nợ xấu ngân hàng, tăng 56% so với đầu năm với hơn 6.064 tỷ đồng. Còn nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) chỉ tăng nhẹ 2% lên hơn 960 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 19% lên gần 1.251 tỷ đồng.
Nợ xấu ngân hàng được phân loại theo tiêu chí thời gian quá hạn trả. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trên 3 tháng trở lên tương ứng 3 nhóm: 3, 4 và 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).
Ngoài ta, ngân hàng ACB còn cho vay giao dịch ký quỹ tại Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) hơn 7.608 tỷ đồng.
Các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN như tỷ lệ LDR là 82,4%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 20,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (riêng lẻ) tới cuối quý 3 ở mức 11,3%. Tỷ lệ CIR được duy trì ở mức 32,7%. Tỷ lệ ROE duy trì ở mức cao 22,2%.