Vietcombank chi hàng nghìn tỷ đồng trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Eximbank
Sau nhiều năm bất ổn với những biến động nhân sự thượng tầng, năm 2024 có lẽ là khoảng thời gian ít phát sinh những tranh chấp nhất của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB). Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo của ngân hàng lại ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể.
Theo đó, mới đây, Eximbank vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024.
Đáng chú ý, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB), với việc sở hữu 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51%. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank sau Công ty cổ phần tập đoàn GELEX (GEX) - hiện đang sở hữu 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn ngân hàng.
Việc Vietcombank sở hữu gần 79 triệu cổ phiếu EIB đã gây bất ngờ trên thị trường. Tạm tính theo giá cổ phiếu EIB chốt phiên 16/10 (18.450 đồng/cp), số lượng cổ phiếu mà VCB sở hữu có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo công bố, Eximbank còn có các cổ đông nắm trên 1% vốn gồm: công ty CP Chứng khoán VIX nắm 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn điều lệ; bà Lê Thị Mai Loan nắm 17,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,03% vốn và bà Lương Thị Cẩm Tú nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,12% vốn.
Danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại Eximbank. |
Eximbank cũng vừa bổ nhiệm ông Phạm Đăng Khoa - cựu Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi (HOSE: TCD) - công ty thành viên của Bamboo Capital - vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 11/10/2024 với thời hạn 3 năm.
Eximbank báo lãi hơn nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu giảm nhẹ 0,01%
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một “Đơn kiến nghị” của Ban Kiểm soát liên quan đến rủi ro nợ xấu và các khoản cho vay đối với khách hàng không đủ điều kiện.
Ngân hàng Eximbank đã lên tiếng khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng. Eximbank cũng đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác.
Trên thị trường cổ phiếu, phiên giao dịch ngày 14/10 ghi nhận cổ phiếu EIB xuất hiện giao dịch đột biến với 57 triệu đơn vị thỏa thuận và 42,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Trước đó, cổ phiếu EIB cũng đã ghi nhận nhiều phiên giao dịch với thanh khoản đột biến, cho thấy sự chú ý đặc biệt của nhà đầu tư đối với hoạt động của ngân hàng này trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét 6 tháng đầu năm 2024 tại Eximbank. |
Theo báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2024, nợ xấu của Eximbank đã tăng mạnh với tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 đạt 4.002 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đạt 431 tỷ đồng, giảm 4%; nợ nghi ngờ (nhóm 4) đạt 938 tỷ đồng, giảm 34%; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đạt 2.632 tỷ đồng, tăng 40%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng gia tăng, Eximbank là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ 0,01%, nhưng ngân hàng lại gánh 2.632 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 40% so với đầu năm. Riêng nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ có xu hướng giảm.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, Eximbank báo lãi trước thuế hơn 1.474 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ.