Theo công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Cbond.HNX), ngày 8/8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu mã OCBL2427009 và OCBL2427008 tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Cả hai lô này đều mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng. Lãi suất phát hành 5,6%/năm và kỳ hạn đều 3 năm.
Trước đó, ngày 7/8, ngân hàng OCB cũng phát hành thành công lô trái phiếu mã OCBL2426007 trị giá 1.000 tỷ đồng có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5,6%/năm.
Các thông tin khác như trái chủ, tài sản đảm bảo,... của các lô trái phiếu này không được ngân hàng công bố.
Trong tháng 7/2024, nhà băng này cũng đã chào bán thành công hai lô trái phiếu mã OCBL2427006 trị giá 1.000 tỷ đồng với lãi suất 5,4%/năm và lô trái phiếu mã OCBL2427005 trị giá 500 tỷ đồng với lãi suất 5,2%/năm. Cả hai lô trái phiếu đều kỳ hạn 3 năm.
Tháng 6/2024, ngân hàng OCB do ông Trịnh Văn Tuấn làm Chủ tịch chào bán thành công liên tiếp 4 lô trái phiếu gồm các mã: OCBL2427003 trị giá 1.500 tỷ đồng với lãi suất 5,2%; OCBL2427004 trị giá 1.000 tỷ đồng có lãi suất 4,9%/năm; OCBL2427002 trị giá 1.500 tỷ đồng lãi suất 5,2%/năm và mã OCBL2427001 trị giá 1.300 tỷ đồng lãi suất 5,4%/năm. Cả 4 lô trái phiếu này đều kỳ hạn 3 năm.
Như vậy, từ đầu năm đến nay (từ tháng 6 đến ngày 13/8/2024), ngân hàng OCB đã có tới 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên đến 9.800 tỷ đồng.
OCB phát hành 9 lô trái phiếu, thu về gần 10.000 tỷ đồng. (Nguồn: Cbond.HNX). |
Trước đó, trong năm 2023, ngân hàng OCB đã phát hành tổng cộng 19 lô trái phiếu, huy động thành công 22.350 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có kỳ hạn 2 đến 3 năm, lãi suất dao động từ 6%/năm đến 8,1%/năm.
Ở chiều ngược lại, từ tháng 5 đến tháng 7/2024, OCB cũng chi ra hơn 8.000 tỷ đồng thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ 11 lô trái phiếu được phát hành vào năm 2022 và 2023. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 2 năm - 3 năm - 5 năm.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, OCB chi ra hơn 8.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 11 lô trái phiếu. Đồng thời, hút về 9.800 tỷ đồng thông qua phát hành 9 lô trái phiếu.
OCB mua lại trước hạn toàn bộ 11 lô trái phiếu (nguồn: Cbond.HNX). |
Đáng chú ý, việc ồ ạt phát hành trái phiếu diễn ra trong bối cảnh OCB đối diện với vấn đề nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Theo đó, nợ xấu tại OCB tính đến 30/6/2024 tăng 22% so với đầu năm, từ 3.904 tỷ đồng lên hơn 4.767 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ 3 (nợ nghi ngờ) chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 996 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 16% lên gần 1.457 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng tới 38% lên hơn 2.314 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại OCB tăng từ mức 2,65% hồi đầu năm lên 3,12% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Nợ xấu có xu hướng tăng nhanh dẫn đến áp lực trích lập dự phòng của ngân hàng ngày càng lớn. Nửa đầu năm 2024, OCB trích lập hơn 622 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ 2023 chỉ ở mức hơn 471 tỷ đồng. Riêng quý II/2024, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên mức gần 419 tỷ đồng.