Xu hướng phát triển ngân hàng số hiện nay
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), để thích ứng linh hoạt và phục vụ ngày càng hiệu quả hơn các dịch vụ của khách hàng, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số. Vì thế, xây dựng và phát triển hệ thống ngân hàng số được xem là xu thế ngân hàng tương lai của kỷ nguyên số. Tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại đã và đang bắt đầu đầu tư xây dựng, phát triển mô hình ngân hàng số. Dù vậy, quan niệm về ngân hàng số vẫn có cách hiểu khác nhau.
Ảnh minh hoạ |
Theo Gaurav Sarma ngân hàng số (Digital Banking) là hình thức số hóa tất cả các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của ngân hàng truyền thống để hục vụ khách hàng thông qua các kênh trực tuyến (online) [5]. Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể thực hiện ở các chi nhánh ngân hàng bình thường được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất, và thông qua ứng dụng này khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch, đồng thời các hoạt động của ngân hàng như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng… cũng được số hóa.
Ngân hàng số là loại hình ngân hàng kỹ thuật số, đòi hỏi cao về công nghệ, bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng và khách hàng thương mại xung quanh các chiến lược di động, kỹ thuật số, AI, thanh toán, RegTech, dữ liệu, blockchain, API, kênh phân phối và công nghệ. Lợi ích của việc phát triển ngân hàng số trước hết là tiết kiệm chi phí.
Theo Olanrewaju, các ngân hàng có thể tăng lợi nhuận EBITDA lên tới 40% bằng cách chuyển sang ngân hàng số [10]. Kết quả tiết kiệm chi phí đến từ tự động hóa các chức năng, loại bỏ các thao tác dư thừa, sử dụng AI thay thế con người trong việc xử lý dữ liệu... Qua đó, các ngân hàng thậm chí nhận được nhiều lợi ích, như có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu lớn hơn và thời gian phản hồi nhanh hơn, chính xác hơn đối với các thay đổi thị trường. Tiếp theo nữa, lợi ích của ngân hàng số là tăng khả năng cạnh tranh, thể hiện rõ nhất ở việc giúp cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng bán lẻ, tăng trải nghiệm khách hàng. Phát triển ngân hàng số giúp cho ngân hàng nắm lợi thế cạnh tranh hơn các ngân hàng truyền thống nhờ tận dụng cơ sở khách hàng lớn, kho dữ liệu người dùng khổng lồ, nền tảng công nghệ hiện đại và nhanh chóng. Phát triển ngân hàng số còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, giảm thời gian thao tác và các công đoạn trung gian, giúp ngân hàng hạn chế sai sót, gián tiếp giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tham gia vào các hoạt động của ngân hàng số, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng so sánh chất lượng dịch vụ của từng ngân hàng và có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình và dễ chuyển đổi ngân hàng. Đồng thời, thuận tiện về không gian và nhanh chóng về thời gian cho các khâu nộp hồ sơ/tài liệu, chỉ cần ngồi ở nhà, mất vài phút chọn trên smart phone, sử dụng chữ ký điện tử trên các mẫu đơn và gửi chúng đến ngân hàng qua Internet.
Hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế thới, ngân hàng số được phát triển và đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch ngân hàng. NuBank (Brazil) là ngân hàng số lớn nhất theo nguồn vốn, Cime là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với hơn 13,1 triệu người dùng, Revolut (London) là ngân hàng số lớn nhất nước Anh với hơn 19.130.000 người dùng. Ở các nước châu Á, điển hình như Nhật Bản, Singapore là những nước dẫn đầu xu hướng phát triển ngân hàng số. Các quốc gia này đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là các ứng dụng dịch vụ thông minh từ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật vào các hoạt động ngân hàng số, nhất là lĩnh vực thẻ tín dụng, ví điện tử hay các dịch vụ gửi, nhận tiền, thanh toán… Ravindra một chuyên gia công nghệ của Nhật Bản đã từng đánh giá rằng, Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) của Nhật Bản là một trong những đơn vị đã rất thành công trong việc phát triển sản phẩm thẻ tín dụng khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để giúp họ cắt giảm chi phí vận hành tới 7,5 triệu USD. Trong đó. Nổi bật là một số ngân hàng lớn ở Nhật Bản đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn (Big Data) trong nghiệp vụ phân tích hệ thống quản lý thông tin để đưa ra những quyết định về đầu tư, lãi suất cũng như tổng đài tin nhắn tự động với hàng nghìn tin nhắn mỗi ngày [6].
Những năm gần đây, các ngân hàng ở Việt Nam đã coi trọng việc xây dựng, triển khai ngân hàng số để vừa phục vụ tốt nhất các yêu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu về quản trị, vận hành, hoạt động hiệu quả hơn. Lộ trình xây dựng, phát triển ngân hàng số ở Việt Nam được các ngân hàng tính toán cụ thể, gắn chặt với việc xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các công nghệ mới. Theo thống kê của McKinsey, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Singapore) về tỷ lệ sử dụng máy tính, tablet, smart phone để truy cập các dịch vụ ngân hàng vào năm 2014 ở mức 44%. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh thứ hai trong khu vực (sau Indonesia) trong giai đoạn 2011-2014 ở mức tăng 6,3 lần, giai đoạn 2014 – 2020 tiếp tục ở mức tăng cao [6]. Timo by BVBank là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với Vietcapitalbank (Bản Việt), VCB Digital là ứng dụng ngân hàng só của Vietcombank…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối hết năm 2021, hầu hết các ngân hàng đã triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên Internet banking và Mobile banking cho khách hàng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cung cấp những dịch vụ ngân hàng số hiện đại hơn như VPBank với dịch vụ ngân hàng số Timo Bank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digial Lab; TPBank với việc cho ra mắt dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, LienVietPostBank với thẻ phi vật lý Ví Việt [8]. Việc phát triển ngân hàng số ở Việt Nam có nhiều lợi ích cho các ngân hàng và khác hàng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ngân hàng số ở Việt Nam gặp nhiều thách thức gây mất an ninh, an toàn thông tin, gây thiệt hại về tài chính cho chính các ngân hàng và khách hàng của họ. Chỉ tính trong năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016. Kết quả này được đưa ra từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ BKAV thực hiện vào tháng 12/2017. Con số này còn tăng lên gần gấp 1,5 trong năm 2021. Mức thiệt hại về tài sản của các ngân hàng tại Việt Nam do các mối đe dọa, thách thức từ công nghệ đã đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng quan tâm hơn cả là những thiệt hại đến từ các hoạt động tội phạm tấn công trên thiết bị IoT, các công nghệ sinh trắc học mới nhất liên tục bị qua mặt, bùng nổ tin tức giả mạo, mã độc đào tiền ảo.
Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số ở Việt Nam
Những năm qua, với việc áp dụng các thành tựu công nghệ mới, giúp các ngân hàng ngày càng đẩy nhanh quá trình thiết lập ngân hàng số, tiến tới xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid 19, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đã tăng gần 50% về giá trị giao dịch; giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm trước [8]. Sau dịch, cho tới này, các dịch vụ này tiếp tục gia tăng ở tất cả các lĩnh vực, khu vực trong cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức như trên cũng đã tạo ra những nguy cơ, lỗ hổng mà tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng nói chung, ngân hàng số nói riêng triệt để lợi dụng để tiến hành các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến 2022, đã xác định hàng nghìn vụ việc liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; đã khởi tố 95 vụ, với 290 bị can vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20% so với tổng số các loại tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2023 có đến 13.900 vụ tấn công mạng, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6%GDP), tổng số tiền người dân bị lừa trên mạng khoảng 8.000 -10.000 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi so với năm 2022) [4].
Tình hình tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng số ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, đó là:
Tấn công vào hệ thống thông tin, bảo mật của các ngân hàng số để thực hiện mục đích gian lận, đánh cắp tài khoản, lừa đảo khách hàng. Tội phạm thường sử dụng các thủ đoạn tấn công mã độc ransomwware để mã hóa tất cả các dữ liệu trong hệ thống máy tính hoặc hệ thống mạng của các ngân hàng số hay cá nhân khách hàng có hoạt động giao dịch với ngân hàng số, sau đó đưa ra một thông báo hoặc yêu cầu tiền chuộc để giải mã dư liệu. Nhiều đối tượng còn sử dụng thủ đoạn tấn công từ chối dịch vụ DdoS khiến cho máy chủ hay Web Servercuar của các ngân hàng số không thể xử lý kịp các tác vụ và dẫn đến hậu quả quá tải, khiến các giao dịch của khách hàng không thể thực hiện được. Đáng chú ý là thủ đoạn tấn công bằng phần mềm gián điệp thông qua các email chứa file pdf đính kèm, gửi tới một số người giữ vị trí quan trọng của ngân hàng. Khi người dùng mở file pdf, mã độc tải xuống máy tính của nạn nhân một phần mềm đánh cắp dữ liệu, cho phép đối tượng phạm tội từ xa điều khiển được máy tính lâu nhiễm trong hệ thống ngân hàng số, từ đó nghe lén được các cuộc gọi và sử dụng máy tính đó để tấn công các máy tính khác nhằm mục đích lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Giả mạo tin nhắn Brand Name của các ngân hàng để chiếm đoạt tiền hoặc gửi tin nhắn lừa đảo, đánh cắp thông tin của khách hàng. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng nền tảng công nghệ, tính năng kết nối trên không gian mạng để giả mạo đầu số Brand Name của ngân hàng và gửi tin nhắn có chứa đường dẫn giả mạo trang đăng nhập tài khoản ngân hàng. Do tin nhắn giả mạo được điện thoại thông minh nhóm vào cùng thư mục với các tin nhắn thật từ ngân hàng, rất nhiều khách hàng đã tin tưởng và khai báo cập nhật thông tin theo yêu cầu từ website giả mạo, dẫn tới lộ lọt thông tin tài khoản ngân hàng. Sau khi có được thông tin tài khoản ngân hàng, các đối tượng phạm tội ngay lập tức chuyển toàn bộ tiền của khách hàng đến nhiều tài khoản khác nhau. Đa phần các tài khoản này được mua trên mạng Internet với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu. Bằng thủ đoạn này, hằng năm, các đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng, gây thiệt hại không nhỏ về uy tín đối với các ngân hàng. Nhiều đối tượng còn sử dụng các tin nhắn gửi cho khách hàng có nội dung đã chuyển tiền, kèm theo đường link để xác nhận. Sau khi nhận được tin nhắn, do chủ quan, nhiều khách hàng không kiểm tra kỹ thông tin tin nhắn, thấy số tiền trùng khớp với giao dịch hàng hóa mà mình đang thực hiện, thực hiện việc click vào đường link mà đối tượng cung cấp, dẫn tới mất thông tin tài khoản ngân hàng. Có đối tượng còn lập các trang giả mạo một số chương trình nổi tiếng trên truyền hình để lấy cắp thông tin tài khoản mạng xã hội, lừa đảo các cá nhân trong danh sách bạn bè của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, thực hiện hành vi lừa đảo. Thời gian qua, lực lượng An ninh mạng và sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vụ việc các đối tượng thiết lập trạm BTS giả mạo của Mobifone để chuyển hướng các cuộc gọi của khách hàng, đánh cắp thông tin; giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Sacombank...
Thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ qua POS (Point of Sale - Điểm chấp nhận thanh toán thẻ). Các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn này chủ yếu là người Trung Quốc cấu kết với các đơn vị chấp nhận thẻ của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thanh toán khống qua POS bằng thẻ giả của người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ. Ngoài ra, dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng (bằng thẻ thật) tại Việt Nam thời gian vừa qua rất phức tạp. Qua thống kê sơ bộ, hiện có hàng trăm website, tin bài quảng cáo cung cấp dịch vụ rút tiền, đáo hạn thẻ ngân hàng trên không gian mạng. Nhiều đơn vị chấp nhận thẻ đã cấu kết với các chủ thẻ tín dụng để rút tiền với chi phí từ 1,5-1,8%, lãi suất 0% trong 45 ngày. Các ngân hàng thương mại đã rà soát, hủy hợp đồng hàng trăm đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu thực hiện thanh toán khống trái pháp luật. Hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ chiếm dụng vốn của ngân hàng, hoạt động tín dụng đen...
Lợi dụng hệ thống thanh toán Swift thông qua việc khai thác, lợi dụng các ngân hàng số có quy chế bảo mật lỏng lẻo trong thực hiện các lệnh chuyển tiền qua hệ thống thanh toán Swift của ngân hàng. Trên thực tế, do là lĩnh vực mới, nên một số ngân hàng số ở Việt Nam chưa đầu tư sử dụng “tường lửa” hay sử dụng các bộ chuyển mạch giá rẻ, thủ tục xác thực ngân hàng, phần mềm gửi và nhận chuyển tiền chưa nâng cấp. Đây là cơ hội để tội phạm thực hiện các hành vi giao dịch giả mạo và lừa đào tiền của ngân hàng và khách hàng.
Ảnh minh hoạ |
Một số giải pháp ngân hàng cần áp dụng để phòng ngừa, ứng phó với tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số
Những năm qua, trước tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số ở Việt Nam diễn ra phức tạp, các ngân hàng đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó. Tuy nhiên, trước những thủ đoạn hoạt động tinh vi của tội phạm, những khó khăn, vướng mắc của ngân hàng nên quá trình phòng ngừa, ứng phó với tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với loại tội phạm này, các ngân hàng số ở Việt Nam cần thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, năng lực nhận diện tội phạm và rủi rõ trong lĩnh vực ngân hàng số đối với cán bộ, công nhân viên ngân hàng và khách hàng. Các ngân hàng cần tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức ngân hàng và kiến thức bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong quản lý, vận hành hoạt động của ngân hàng số; bồi dưỡng, nâng nâng cao năng lực nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng số, nhất là những thủ đoạn mới; nâng cao năng lực bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống mạng ngân hàng, tránh được các rủi ro trong vận hành, quản lý, thực hiện các giao dịch ngân hàng số và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xử lý hành vi tấn công hệ thống ngân hàng số, tấn công khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số. Các ngân hàng cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các thông tư hướng dẫn Luật An ninh mạng, quy định của Nghị định117/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chỉ thị số 02/CT-NNNN của Thống đốc ngân hàng về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hàng, có các quy định cụ thể về tội phạm ngân hàng số, biện pháp phòng, chống loại tội phạm này. Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngân hàng, nhất là chương trình ứng dụng mở (Open API), công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC), quản lý, xử lý tiền ảo, giải quyết, tranh chấp, khiếu nại trong giao dịch điện tử trên hệ thống ngân hàng số…
Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị ngân hàng số; siết chặt quản lý các dịch vụ thanh toán điện tử, thẻ tín dụng mà ngân hàng đã vận hành hoạt động. Chủ động thu thập và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, cho lực lượng Công an về những vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng trên lĩnh vực ngân hàng số để có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi nhắn tin nhắn lừa đảo. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước theo chức năng của ngân hàng đối với các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng số, nhất là các dịch vụ mà đối tượng phạm tội thường thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bốn là, đổi mới quy trình quản lý, gắn với đầu tư, phát triển nguồn lực và áp dụng biện pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các ngân hàng số. Các ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham khảo cách làm của DBS Bank Singapore, loại bỏ thời gian lãng phí thông qua cải tiến quy trình; xây dựng các dịch vụ số, gắn liền trong hệ sinh thái số đối với các đối tác/bên thứ 3 cung cấp dịch vụ/hàng hóa khác và thúc đẩy sáng tạo đối với tất cả lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng trong việc tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong quản trị, vận hành, quản lý các hoạt động ngân hàng số. Chú trọng triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu khách hàng và bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống thông tin trong các ngân hàng số; nâng cấp các giải pháp công nghệ và an ninh bảo mật cơ bản mà các ngân hàng số đang triển khai, nhất là tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập (IPS/IDS), hệ thống phòng, chống virut, xác thực đa thành tố đối với giao dịch điện tử, mã hóa dữ liệu đối với các hệ thống quan trọng…
Năm là, nâng cao hiệu quả phối hợp trong phát hiện, xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số. Các ngân hàng cần phối hợp chặc chẽ với các lực lượng chức năng liên quan, nhất là lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng số; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin qua đường dây nóng giữa Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại với Bộ Công an để rút ngắn thời gian thu thập thông tin, tài liệu, có cơ sở thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn dòng tiền bị tội phạm chiếm đoạt; bảo vệ quyenf và lợi ích chính đáng cho các ngân hàng và khách hàng.
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số thời gian qua cũng như thời gian tới vẫn sẽ vấn điễn ra phức tạp. Để kịp thời nhận diện, ứng phó với loại tội phạm này, các ngân hàngsố ở Việt Nam cần tiếp tục đảy mạnh nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, kỹ năng nhận diện; áp dụng có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin và các hoạt động giao dịch số giữa ngân hàng và khách hàng; thường xuyên phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin trong phát hiện, xử lý tội phạm mạng lĩnh vực ngân hàng số. Với những giải pháp trên được triển khai, các ngân hàng số ở Việt Nam có cơ sở để quản trị, quảnlý hiệu quả các hoạt động ngân hàng cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bergal, D (2016), What is Digital banking, Available athttps://www.avoka.com/blog/what-is-digital-banking/
2. Chính phủ (2018), Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Citigroup (2018), Bank of the future, Available at http://www.vostokemergingfinance.com/content/uploads/2017/05/Citi-GPS-Bank-of-the-Future.pdf
4. Hoàng Hiền, Chống tội phạm công nghệ cao, ngân hàng quyết liệt thiết lập “hàng rào số”, Tạp chí thương hiệu Tài chính tiền tệ (điện tử), đăng ngày 05/8/2024.
5. Gaurav Sarma (2017), What is digital banking, Available at http://www.ventureskies.com/blog/digital-banking
6. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Tổ chức NTT DATA (Nhật Bản) (2020), “Ứng dụng Big Data trong hoạt động ngân hàng - Kinh nghiệm của Nhật Bản”, Hội thảo trực tuyến (Webinar).
7. Mc Kinsey (2015b), The future of bank risk management, https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey /business%20functions/mckinsey%20digital/pdf /digital%20banking%20in%20asean%20(4).ashx
8. Ngân hàng nhà nước (2021), Thống kê số lượng giao dịch thanh toán qua Internet
9. IDG, ASEAN (2017), Hội thảo “Tương lai Ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hà Nội, 2017.
10. Olanrewaju, T., (2014), The rise of the digital bank, Available at https://www.mckinsey.com/business-functions/digital-mckinsey/our-insights/the-rise-of-the-digital-bank
11. Orakwue, E., (2017), Innovation, Big Data & Technology in Financial Services, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2939426
PGS. TS Trần Mạnh Hùng - Học viện An ninh nhân dân