Nhận định chứng khoán ngày 5/12: Kỳ vọng mốc 1.240 điểm sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường |
Ngày 5/12, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ, tăng nóng nhất vào phiên chiều là nhóm cổ phiếu chứng khoán. SSI thanh khoản gấp 4,2 lần phiên sáng với khoảng 718 tỷ đồng, giá lên kịch trần, giao dịch cả ngày lên hơn 889 tỷ.
Ảnh minh hoạ |
VCI chốt phiên sáng chỉ tăng 0,92% với khoảng 61 tỷ đồng thanh khoản, đóng cửa đã kịch trần, giao dịch 515,8 tỷ. Loạt cổ phiếu chứng khoán kịch trần khác là VIX, BSI, FTS, CTS, VDS, HCM, ORS. Ngoài ra khoảng 20 mã khác tăng từ 2% tới dưới mức trần, một số mã trên HNX có biên độ lớn hơn còn tăng 7% tới hơn 9%.
Tính chung sàn HoSE hôm nay có 16 mã kịch trần và tổng 3 sàn là 34 mã. Số cổ phiếu tăng cực mạnh thì rất nhiều. Riêng ở HoSE đã có 121 mã tăng từ 2% trở lên. Chỉ riêng nhóm này đã chiếm 75,8% tổng giá trị khớp lệnh của sàn, cho thấy mức độ tập trung vốn rất cao và hiệu quả đẩy giá cũng rất ấn tượng. Ngoài nhóm chứng khoán hàng đầu, loạt mã kịch trần với thanh khoản hàng trăm tỷ cũng có DXG, PDR. Số khác tăng cực tốt là HPG tăng 4,31% khớp 1220,9 tỷ; FPT tăng 3,48% với 707,1 tỷ; VPB tăng 2,63% với 607,9 tỷ; MWG tăng 4,99% với 518 tỷ; MSN tăng 2,22% với 393 tỷ…
Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index ghi nhận nến Marubozu tăng mạnh, vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.250 điểm và đường MA200 ngày. Đây là tín hiệu tích cực, xác nhận việc tạo đáy ở vùng 1.200 điểm trước đó và mở ra xu hướng tăng mới. Thanh khoản bùng nổ cho thấy dòng tiền lớn đã quay trở lại thị trường, tạo động lực mạnh mẽ để chỉ số hướng tới vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm.
Nhận định về thị trường chứng khoán 6/12, giới chuyên gia cho rằng VN-Index chính thức xác nhận việc tạo đáy ở vùng 1.200 điểm trước đó và mở ra xu hướng tăng mới.
Tuy nhiên, sau phiên tăng điểm mạnh, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn do áp lực chốt lời, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán và thép.
Kỳ vọng thị trường sẽ duy trì đà hồi phục trong thời gian tới, khi các yếu tố vĩ mô ổn định và dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ. Cần theo dõi sát diễn biến thanh khoản và các yếu tố quốc tế như chỉ số DXY và tỷ giá để quản trị rủi ro ngắn hạn.