Nhận định chứng khoán ngày 21/8: Kỳ vọng chinh phục vùng 1.280 điểm Nhận định chứng khoán ngày 22/8: Xung lực tăng vẫn còn |
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn vẫn tiếp tục (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet. |
Phiên giao dịch ngày 22/8 khép lại với sự điều chỉnh nhẹ của VN Index, "tạm nghỉ" sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp với mức hồi phục hơn 60 điểm. Đối với nhiều nhà đầu tư, sự điều chỉnh này không quá bất ngờ, khi áp lực chốt lời xuất hiện khá sớm và kéo chỉ số thị trường giao dịch dưới tham chiếu suốt phần lớn thời gian. Tuy nhiên, lực bán không mạnh đã giúp VN Index chỉ giảm nhẹ và thanh khoản thị trường trở lại mức thấp. Không có nhóm ngành nào thực sự nổi bật trong phiên, ngoại trừ một vài điểm sáng từ các mã TCB, VRE, CTG, MBB, VPB, VIX, NVL…
Trong phiên sáng, VN Index nhờ lực cầu cải thiện nhẹ về cuối phiên đã tạm giữ được sắc xanh trước khi kết thúc phiên. Tuy nhiên, sang phiên chiều, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái lình xình, với tâm lý thận trọng bao trùm. Bên bán không vội bán ra ở mức giá thấp, trong khi bên mua chưa sẵn sàng xuống tiền mạnh mẽ. Thị trường rơi vào tình trạng phân hóa rõ nét, với số mã giảm điểm chiếm ưu thế trên bảng điện tử, khiến VN Index kết phiên với mức giảm nhẹ 1,27 điểm.
Nhóm VN30 duy trì sắc xanh nhẹ nhưng cũng thể hiện sự phân hóa mạnh, với 13 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, các mã VHM, VRE, MSN, BVH, FPT, PLX, PNJ, SSI, CTG tăng điểm, trong khi GAS, VIC, VJC, HPG, BID, VCB lại giảm. Các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, xây dựng, bất động sản… cũng không ngoại lệ, với sự phân hóa rõ rệt, dẫn đến việc thị trường không có nhóm ngành nào đủ sức dẫn dắt.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thép bị chốt lời mạnh, với hầu hết các mã như HPG, NKG, HSG, TVN, POM… đều đóng cửa trong sắc đỏ. Bảng điện tử toàn thị trường nghiêng về phía giảm điểm, khi sàn HoSE ghi nhận 189 mã giảm và 123 mã tăng, còn sàn HNX có 80 mã giảm và 60 mã tăng. Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 15.606 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với trung bình 3 phiên trước đó.
Về mặt kỹ thuật, áp lực chốt lời xuất hiện sau chuỗi 4 phiên tăng điểm tích cực là điều đã được nhiều nhà đầu tư dự liệu. Dù vậy, điều đáng mừng là áp lực bán không quá lớn, thể hiện qua thanh khoản giảm mạnh so với 4 phiên tăng điểm trước đó. Điều này cho thấy tâm lý lạc quan vẫn duy trì trong cộng đồng nhà đầu tư, với niềm tin vào nhịp hồi phục của thị trường.
Các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn như MACD và RSI vẫn đang hướng lên và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được đánh giá tích cực. Một vài phiên điều chỉnh nhẹ như hôm nay có thể cần thiết để thị trường tích lũy, tạo mặt bằng giá mới trước khi tiếp tục quay trở lại nhịp tăng. Nhà đầu tư nên bình tĩnh, tránh bán tháo trong các nhịp rung lắc, và tận dụng các nhịp hồi phục để điều chỉnh danh mục, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu đối với các mã đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.