Quân đội Nga từ trước đến nay luôn được coi là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất trên Thế giới. Kế thừa những thành tựu khoa học vĩ đại của Liên Xô và những cải cách công nghệ hiện đại trong quân sự vào những năm gần đây, lực lượng quân đội Nga hiện đang được trang bị những vũ khí, thiết bị hiện đại, độc nhất. Dưới đây là một số vũ khí tối tân nhất mà quân đội Nga đang sử dụng.
Bộ ba xe tăng: T-72, T-80, T-90
Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1, một đội hình quân sự bao gồm hàng trăm xe tăng chính là lực lượng quân đội Nga đầu tiên hiện diện trên chiến trường dọc biên giới Ukraine. Lực lượng cận vệ 1 bao gồm các mẫu T-72 và T-80, những xe tăng lần đầu tiên được Liên Xô chế tạo, trang bị và đã trải qua nhiều quá trình cải tiến hiện đại. Thiết kế xe tăng thứ ba được Nga kế cận phát triển chính là T-90, có nguồn gốc từ T-72 và T-80 và được trang bị những công nghệ phức tạp hơn.
Cả ba mẫu xe tăng đều có chung một số đặc tính quan trọng. Chúng có thể di chuyển với tốc độ từ 60 km/h (T-72) đến 72 km/h (T-80) trên đường và 43 km/h trên các địa hình không trải nhựa. phủ các địa hình không trải nhựa với tốc độ khoảng 27 dặm / giờ. Các mẫu xe tăng sử dụng chung một loại súng, một khẩu pháo nòng trơn 125mm, cho phép có thể phân phối, chia sẻ cơ số đạn giữa các loại. Những chiếc xe tăng này cũng có thể bắn tên lửa dẫn đường chống tăng, mang lại khả năng tấn công tốt hơn ở tầm bắn lớn hơn so với các loại đạn thông thường. Một số xe tăng được trang bị cảm biến theo dõi mục tiêu cho phép xác định kẻ thù cách xa 1,5 km và trong điều kiện ánh sáng yếu.
Một số công cụ theo dõi mục tiêu tiên tiến cũng đang được phát triển cho T-14 Armata, một loại xe tăng hiện đại chưa được sản xuất với số lượng đủ để nó có thể tham gia vào một cuộc chiến.
Trong bất kỳ cuộc tấn công nào, mục đích của đội hình xe tăng là tiến vào lãnh thổ của địch, vượt qua các chiến hào và địa hình phức tạp, đồng thời tiêu diệt bất kỳ quân phòng thủ nào cản đường. Kể từ khi ra đời, xe tăng đã kết hợp tốc độ, hỏa lực và áo giáp để làm được điều này. Trong khi áo giáp xe tăng ban đầu chỉ đơn thuần là kim loại được sử dụng trong vỏ tàu, sự phát triển của công nghệ trong thiết kế xe tăng đã tạo ra những công cụ, giải pháp hiệu quả hơn. Đó là các gói thuốc nổ gắn trên thân xe và tháp pháo, được nổ ra khi bị trúng đòn từ các cuộc tấn công của kẻ thù, chúng sẽ tự phát nổ ra bên ngoài và phản công ngược lại về phía đối thủ.
Xe tăng T-90 có một lớp bảo vệ đặc biệt gọi là RELIKT, có thể kích nổ các mảnh vật liệu nổ khi va chạm giúp vô hiệu hóa đường đạn đang bay tới. Các tấm giáp RELIKT có thể được thay thế ngay trên chiến trường. Các xe tăng được bảo vệ bằng lớp giáp này có thể tiếp tục được đưa vào sử dụng ngay sau trận chiến, thay vì cần phải quay trở lại căn cứ để sửa chữa.
Pháo phản lực
Chỉ dùng xe tăng sẽ không thể mang lại chiến thắng trong các cuộc chiến. Bất kỳ quân đội hiện đại nào có kế hoạch sử dụng nhiều loại vũ khí khác, để giúp đội quân xe tăng được hỗ trợ bởi máy bay, pháo binh, bộ binh và các phương tiện khác. Quân đội Nga rất giàu pháo binh, với đạn dược và cảm biến hiện đại được tiếp nhận, cải tiến từ những cỗ máy có từ thời Liên Xô.
Một trong những vũ khí đó là BM-30 Smerch, được phát hiện gần biên giới Ukraine như một phần trong đợt xây dựng lực lượng đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái của Nga. Smerch là một hệ thống tên lửa phóng nhiều lần, hay hiểu đơn giản hơn, nó là một chiếc xe tải chở 12 ống tên lửa trên lưng. Khi chiến đấu, Smerch xoay bệ phóng lên trên và bắn tất cả tên lửa được trang bị trong 38 giây hoặc có thể bắn từng phát một, cho phép bắn trúng nhiều mục tiêu.
Smerch được thiết kế với tên lửa có tầm bắn 70 km, nhưng những nâng cấp gần đây đã nâng tầm bắn lên 90 km. Bên trong mỗi tên lửa có một đầu đạn lớn, 5 đầu đạn chống tăng với cảm biến dẫn đường và 72 quả bom, đạn con. Bản thân những loại bom, đạn con này là chất nổ phân mảnh, biến một tên lửa thành 72 quả bom nhỏ hơn và phát nổ thành gần 400 mảnh, tạo ra độ sát thương rất lớn.
Với một số loại đạn nhất định, tất cả 12 quả rocket được bắn ra từ Smerch có thể tạo ra chất nổ trên diện tích khoảng 60 ha, tương đương khoảng 150 sân bóng đá. Để giúp hệ thống tên lửa xác định mục tiêu và kiểm tra hiệu quả sau khi chiến đấu, máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 sẽ được sử dụng. Các máy bay này sẽ được những nhà điều hành điều khiển thực hiện nhiệm vụ khảo sát thiệt hại và tìm kiếm các mục tiêu mới.
Hệ thống tác chiến điện tử
Xe tăng, pháo và máy bay không người lái hiện đại đều là những hệ thống giàu cảm biến. Gây cản trở các cảm biến của đối phương là công việc của các vũ khí điện tử. Một trong những công cụ phổ biến nhất của tác chiến điện tử chính là các thiết bị gây nhiễu được gắn trên xe tải, máy bay.
Hệ thống Tác chiến Điện tử Krasukha 2 và Krasukha 4 thực sự là những thiết bị gây nhiễu tân tiến nhất được trang bị trên xe tải. Những thiết bị gây nhiễu này cản trở tín hiệu radar bằng cách gửi đi các sóng mạnh chặn các tín hiệu mà một hệ thống, như radar dựa vào. Thiết bị gây nhiễu này cũng có thể ngăn chặn các liên lạc thông thường qua sóng vô tuyến và hệ thống Krasukha thậm chí được cho rằng là đã chặn các máy bay không người lái nhận tín hiệu GPS.
Các công cụ hiện đại, như cảm biến có thể phát hiện tín hiệu đến và sau đó hiệu chỉnh loại tín hiệu gây nhiễu phù hợp để gửi phản hồi. Với thiết bị gây nhiễu Krasuhka, lực lượng quân đội Nga có thể ngăn chặn radar của đối phương, tránh khỏi việc bị phát hiện và làm cho một số hệ thống pháo binh, rocket của đối thủ hoạt động kém hiệu quả hơn.
Duy Anh (tổng hợp theo Popular Science và Insinder)