acecook

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn: Tất cả vì sự nghiệp chung để kiến tạo môi trường

Sự kiện
17/07/2025 08:08
Tại buổi Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng Thông tin Chính phủ đã tổ chức ngày 15/7, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khoẻ người dân Thủ đô.
aa
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn: Tất cả vì sự nghiệp chung để kiến tạo môi trường
Đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc là động lực phát triển Thủ đô. Ảnh minh hoạ: Phạm Hùng/KTĐT

Luôn kiên định mục tiêu xây dựng Thủ đô "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Xanh – Thông minh"

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và chất lượng sống đô thị. Trong suốt quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn kiên định mục tiêu xây dựng thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Xanh - Thông minh", với phương châm quản lý phát triển gắn liền với các tiêu chí "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp".

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu cấp bách, trở thành một thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Giống như nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, chất thải rắn, nước thải và tình trạng ô nhiễm các dòng sông.

“Những dòng sông trong nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, Đường Sét... hay các con sông lớn như Nhuệ, Đáy, Tích đều ảnh hưởng đến không gian cảnh quan và chất lượng sống đô thị. Thành phố đang tập trung cao độ để khắc phục và hồi sinh những dòng sông này,” ông Tuấn cho biết.

Theo đó, hàng loạt chương trình, đề án và quy hoạch đã được xây dựng và triển khai nhằm xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý chất thải rắn đồng bộ với vệ sinh môi trường và thiết lập hệ thống nhà máy đốt rác phát điện hiện đại. Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng kiểm soát quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải quy mô lớn, đặc biệt tại khu vực trung tâm – nơi tập trung dân cư đông đúc và mật độ giao thông cao.

Một nguyên nhân đáng kể gây ô nhiễm không khí được ông Tuấn chỉ ra là lượng lớn phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu. Trong khi đó, xu hướng hiện đại là chuyển đổi sang phương tiện xanh – sạch, sử dụng điện, khí sinh học hoặc các mô hình giao thông tiên tiến như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao – vốn đã chuẩn hóa với các tiêu chuẩn nhiên liệu sạch.

“Các đô thị tiên tiến trên thế giới đều xây dựng được khuôn mẫu môi trường sống bảo đảm chất lượng cao, nhờ vào việc chuyển đổi hạ tầng giao thông và mô hình phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường,” Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Ông cũng cảnh báo rằng ô nhiễm môi trường không chỉ là rào cản phát triển mà còn có thể kéo theo hệ quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân. Vì vậy, Trung ương và Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường – nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm và hướng tới phát triển bền vững.

Trước diễn biến gia tăng của ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, nêu rõ tính cấp bách của nhiệm vụ này. “Ngay tên Chỉ thị cũng đã minh chứng cho quyết tâm và yêu cầu hành động khẩn trương của Chính phủ đối với vấn đề môi trường hiện nay,” ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn:
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi Toạ đàm.

Chỉ thị 20 đặt ra nhiệm vụ cấp bách kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay dân số Thủ đô vào khoảng 8,5 triệu người, chưa kể hàng triệu lượt người dân ngoại tỉnh lưu thông tự do ra vào hằng ngày. Thành phố đang quản lý trên 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy.

Riêng khu vực vành đai 1, vốn là trung tâm nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ thuộc Hoàng thành Thăng Long và trung tâm chính trị Ba Đình hiện đang có tới 450.000 xe máy hoạt động, trong khi dân số khu vực này chỉ khoảng 600.000 người.

“Tỷ lệ phương tiện cá nhân quá cao, đặc biệt là xe máy cũ, đã gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông và chất lượng môi trường không khí,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch được xác định là nguồn phát thải ô nhiễm lớn, đóng góp tới 60% lượng phát thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Đáng lo ngại, gần 70% số xe máy đang lưu hành là phương tiện cũ, trong khi hệ thống kiểm định khí thải hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bao phủ đầy đủ.

Không chỉ người dân nội đô, mà cư dân các tỉnh lân cận khi di chuyển vào Hà Nội hằng ngày cũng sử dụng các phương tiện không được kiểm soát nghiêm ngặt về khí thải, càng làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.

Trước thực trạng này, Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là bước đi quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị. Chỉ thị không chỉ đặt ra các nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý phương tiện giao thông mà còn yêu cầu chính quyền địa phương xây dựng và triển khai các vùng phát thải thấp – một giải pháp đang được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng.

“Chỉ thị 20 cũng góp phần cụ thể hóa việc triển khai Điều 28 của Luật Thủ đô, trong đó giao nhiệm vụ cho TP. Hà Nội kiểm soát phát thải tại các khu vực trọng điểm. Thành phố đã bắt đầu ban hành các nghị quyết và đề án để thiết lập những vùng phát thải thấp, tiến tới kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm trong đô thị,” ông Tuấn thông tin.

Với khối lượng phương tiện lớn và tốc độ đô thị hóa nhanh, việc kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội đang trở thành một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, các ngành chức năng và người dân để đảm bảo mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững, xanh - sạch - thông minh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn:
Nhiều tuyến xe buýt xanh đã được triển khai trong vùng nội đô của Hà Nội

Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình cụ thể nhằm kiểm soát phương tiện cá nhân và phát triển phương tiện xanh

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg, Thành phố đang nghiên cứu các chương trình, kế hoạch tổng thể và giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát khí thải từ phương tiện cá nhân, đặc biệt trong khu vực nội đô.

Việc quản lý phương tiện sẽ được phân chia theo các cấp độ không gian đô thị, xác lập theo các tuyến vành đai - từ vành đai 1 (trung tâm nội đô lịch sử) đến vành đai 4, vành đai 5 (liên vùng Thủ đô). Theo ông Tuấn, các vành đai này không chỉ là ranh giới phát triển hạ tầng mà còn là cơ sở để phân vùng kiểm soát phát thải và chất lượng không khí.

“Chúng ta cần hướng đến mô hình phát triển phương tiện sạch, phát thải thấp. Các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, đặc biệt là loại xe hai kỳ chạy bằng xăng dầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đồng thời làm mất trật tự và thiếu văn minh đô thị,” ông Tuấn khẳng định.

Hướng tới cấm hoàn toàn xe chạy xăng dầu ở vành đai 1 từ 2028

Chỉ thị 20 đưa ra mốc thời gian cụ thể cho lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể:

Đến ngày 1/7/2026: Không cho lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại một số khu vực nhất định.

Từ 1/1/2028: Chính thức dừng sử dụng xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu trong khu vực vành đai 1; đồng thời bắt đầu hạn chế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 1 và 2.

Đến năm 2030: Tùy theo điều kiện thực tiễn, Thành phố sẽ xem xét mở rộng phạm vi áp dụng tới khu vực vành đai 3.

Để triển khai lộ trình này một cách khả thi và không gây xáo trộn đời sống người dân, TP. Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người dân có nhu cầu chuyển đổi phương tiện – đặc biệt là người dân đang sinh sống và di chuyển thường xuyên trong khu vực vành đai 1.

"Tình trạng ô nhiễm môi trường với Thủ đô Hà Nội hiện nay trở nên hết sức cấp bách. Vì một môi trường sống xanh - sạch, đồng thời để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân thì chúng ta phải chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực để triển khai" - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và ưu đãi cho phương tiện xanh

Lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, Hà Nội sẽ trình HĐND thông qua các nghị quyết chuyên đề về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, dự kiến vào tháng 9/2025. Các chính sách này có thể bao gồm:

Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.

Ưu đãi lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký gần như 100% đối với phương tiện xanh.

Ưu tiên không gian giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Thành phố cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh – không chỉ giảm giá thành, mà còn tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận phương tiện thân thiện môi trường.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật: mạng lưới trạm sạc, quy hoạch đồng bộ

Một trong những điều kiện tiên quyết cho quá trình chuyển đổi phương tiện là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống trạm sạc xe điện. Ông Tuấn nhấn mạnh, UBND TP. Hà Nội đang tiến hành chuẩn hóa quy hoạch và triển khai đồng bộ mạng lưới trạm sạc, ưu tiên bố trí tại:

Khu vực công cộng ngoài trời.

Hệ thống giao thông tĩnh và giao thông động.

Các công trình hạ tầng giao thông hiện đại.

Các khu đô thị mới – nơi có điều kiện kiểm soát hạ tầng kỹ thuật tốt.

Thành phố cũng lưu ý đến vấn đề an toàn trạm sạc, đặc biệt trong nội đô, nơi dân cư đông đúc và điều kiện mặt bằng hạn chế. Việc kiểm soát chất lượng pin, cháy nổ, hệ thống cứu nạn – cứu hộ… sẽ được đưa vào quy hoạch, đảm bảo không để xảy ra rủi ro cho người sử dụng.

“Chúng tôi sẽ đồng bộ quy hoạch từ tầng hầm, khối đế tòa nhà đến khu vực đô thị mở rộng, để bảo đảm mọi hạ tầng phục vụ phương tiện xanh đều an toàn, tiện lợi và phù hợp với một đô thị thông minh,” ông Tuấn nói.

Gắn chuyển đổi phương tiện với nâng cao tỉ lệ vận tải công cộng

Lãnh đạo Thành phố cũng khẳng định, chủ trương kiểm soát phương tiện cá nhân không đồng nghĩa với việc cấm đoán tuyệt đối, mà là quá trình chuyển đổi hài hòa, có lộ trình và đi kèm với việc nâng cao tỉ lệ vận tải hành khách công cộng.

Hiện nay, xe buýt, đường sắt đô thị và các phương tiện vận tải công cộng sạch sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thay đổi thói quen di chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

“Đây là sự nghiệp chung của cả nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh – sạch – thông minh,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn:
Từ ngày 01/7/2026, không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) mà chuyển sang sử dụng phương tiện sạch, xanh trong vùng vành đai 1 của Thủ đô
Hà Nội đẩy mạnh tổ chức mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thành phố đang triển khai tái cấu trúc toàn bộ hệ thống vận tải công cộng theo hướng đa phương thức, đồng bộ và phát thải thấp. Trong đó, xe buýt điện và đường sắt đô thị sẽ đóng vai trò nòng cốt nhằm từng bước thay thế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt tại khu vực trung tâm.

Hiện nay, khu vực vành đai 1 – trung tâm nội đô lịch sử – đang có 45 tuyến xe buýt hoạt động với tổng số 535 xe, trong đó mới chỉ có 11 tuyến là xe buýt điện, với 126 xe. Theo lộ trình đã được phê duyệt, đến năm 2030, Hà Nội sẽ hoàn tất chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe buýt điện.

"Đề án đã được ban hành, nghị quyết đang hình thành. Mục tiêu đến năm 2030 là toàn bộ xe buýt sẽ chạy điện," ông Tuấn khẳng định.

Quý III năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, TP. Hà Nội đang triển khai quyết liệt các nội dung được quy định tại Điều 28, Luật Thủ đô năm 2024, trong đó giao quyền cho thành phố ban hành các chính sách đặc thù về môi trường.

Cụ thể, Hà Nội được phép:

- Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác lập vùng phát thải thấp;

- Quyết định phạm vi và các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải cao;

- Ban hành chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện năng lượng sạch;

- Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thân thiện môi trường.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để TP. Hà Nội tiến hành xây dựng, chuẩn hóa và quản lý vùng phát thải thấp trong thời gian tới.

Lộ trình triển khai vùng phát thải thấp: từ thí điểm đến mở rộng toàn đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, cuối năm 2024, Thành phố đã ban hành Nghị quyết về vùng phát thải thấp, bắt đầu triển khai tại một số quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm – nơi từng được chọn làm điểm thử nghiệm mô hình này.

Trên cơ sở đó, quý III năm 2025, Hà Nội sẽ chính thức chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp, phân định rõ phạm vi theo các tuyến vành đai:

- Vành đai 1: Trung tâm nội đô lịch sử (gồm 5 quận cũ, nay hợp nhất thành 9 phường);

- Vành đai 2 và Vành đai 3: Mở rộng vùng kiểm soát ra các khu vực lân cận, tạo nên lớp bảo vệ môi trường theo tầng.

Đơn cử, khu vực vành đai 1 hiện có diện tích khoảng 31 km², dân số khoảng 600.000 người, chu vi khoảng 25 km – được xác định là vùng trọng điểm kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn phát thải. Sau đó, Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng kiểm soát ra các tuyến vành đai tiếp theo, đồng bộ với Chỉ thị 20/CT-TTg và Luật Thủ đô.

Kiểm soát đồng bộ mọi nguồn phát thải

Ngoài phương tiện giao thông – nguồn phát thải được xác định chiếm khoảng 60% tổng lượng ô nhiễm không khí đô thị, TP. Hà Nội cũng tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn phát thải khác như:

- Hoạt động sản xuất công nghiệp;

- Đốt rơm rạ tại vùng ven đô và ngoại thành;

- Xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại;

- Tình trạng ô nhiễm tại các sông, hồ nội đô.

“Trước đây, Hà Nội còn sử dụng than tổ ong cho sinh hoạt, nhưng đến nay, loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao này đã bị loại bỏ hoàn toàn,” ông Tuấn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định quyết tâm không chỉ dừng lại ở giao thông mà mở rộng đến toàn bộ hệ sinh thái môi trường đô thị.

Xây dựng quy chuẩn phát thải, siết kiểm soát xe cũ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh việc xác lập vùng phát thải thấp, Thành phố đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải, làm cơ sở kiểm soát phương tiện cũ, lạc hậu – vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm.

Việc xây dựng vùng phát thải thấp sẽ đi kèm với các tiêu chí kỹ thuật cụ thể, như:

- Giới hạn lượng phát thải cho từng loại phương tiện;

- Ngưỡng kiểm định khí thải đối với xe cũ;

- Lộ trình loại bỏ xe máy không đạt chuẩn môi trường;

- Hệ thống giám sát thông minh để đo kiểm và xử phạt vi phạm.

Như vậy đây không chỉ là bài toán về giao thông, mà là một chiến lược toàn diện để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

tudonghoangaynay.vn
mca
Tin bài khác
Thị trường chứng khoán ngày 17/7: Dòng tiền ồ ạt vào bất động sản, VN Index tiến sát mốc 1.500 điểm

Thị trường chứng khoán ngày 17/7: Dòng tiền ồ ạt vào bất động sản, VN Index tiến sát mốc 1.500 điểm

Trong bối cảnh khối ngoại tạm dừng chuỗi mua ròng kéo dài nhất từ đầu năm, thị trường vẫn duy trì sự hưng phấn nhờ dòng tiền nội bền bỉ. Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục dẫn sóng, kéo chỉ số lên sát ngưỡng 1.500 điểm, bất chấp những cảnh báo kỹ thuật về rủi ro điều chỉnh ngắn hạn.
Công ty chứng khoán của Techcombank báo lãi kỷ lục, chuẩn bị IPO hơn 230 triệu cổ phần

Công ty chứng khoán của Techcombank báo lãi kỷ lục, chuẩn bị IPO hơn 230 triệu cổ phần

Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) - công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi quý cao nhất từ trước đến nay của công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay.
Khi robot trở thành trái tim của ngành ô tô Nhật Bản

Khi robot trở thành trái tim của ngành ô tô Nhật Bản

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, khi nước này ghi nhận số lượng lắp đặt robot công nghiệp cao nhất trong vòng 5 năm qua. Theo số liệu mới nhất, đã có khoảng 13.000 robot công nghiệp được lắp đặt trong các nhà máy sản xuất ô tô, tăng 11% so với năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 2020.
BSR - Hành trình chuyển đổi năng lượng và nhiên liệu xanh

BSR - Hành trình chuyển đổi năng lượng và nhiên liệu xanh

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học E10 từ đầu năm 2026 trên toàn quốc nhằm thực hiện các cam kết Net-Zero vào năm 2050, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang tích cực triển khai thực hiện lộ trình này, trong đó có giải pháp phục hồi sản xuất Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất.
Giữ lửa truyền thông cho một tương lai xanh

Giữ lửa truyền thông cho một tương lai xanh

Giữa nỗ lực chuyển đổi xanh, truyền thông đang trở thành mắt xích quan trọng giúp lan tỏa nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giải báo chí do Bộ Công Thương phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là minh chứng sống động cho sức mạnh đó - nơi hội tụ những câu chuyện lay động, truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động vì một tương lai bền vững.
Triển khai đặc xá năm 2025 (đợt 2): Đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Triển khai đặc xá năm 2025 (đợt 2): Đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Đợt đặc xá lần này thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, qua đó góp phần củng cố niềm tin xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện cho người được đặc xá sớm tái hòa nhập cộng đồng
Đột phá mới cho AMR với Vision AI siêu tốc

Đột phá mới cho AMR với Vision AI siêu tốc

Trong bối cảnh ngành công nghiệp kho vận và sản xuất ngày càng đòi hỏi hiệu suất cao hơn, robot di động tự động (AMR) đang trở thành yếu tố cốt lõi trong chiến lược chuyển đổi số. Những cỗ máy này có thể tự điều hướng, thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người, ngày càng được tích hợp công nghệ Vision AI để tăng cường khả năng nhận thức và ra quyết định trong thời gian thực.
Nhận định phiên giao dịch ngày 17/7: Sẵn sàng với rung lắc kỹ thuật trong phiên đáo hạn phái sinh

Nhận định phiên giao dịch ngày 17/7: Sẵn sàng với rung lắc kỹ thuật trong phiên đáo hạn phái sinh

Dòng tiền đang cho thấy sự chủ động, thanh khoản cải thiện tích cực, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Tuy vậy, diễn biến kéo mạnh cổ phiếu nhà Vin và các mã trụ khác trong phiên hôm nay có thể dẫn đến hiện tượng “trả điểm” trong phiên 17/7 – vì đây là phiên đáo hạn phái sinh.
Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan trước ngày 31/7/2025 hoàn thành nhiệm vụ rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trưng bày chuyên đề

Trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son'

Sáng 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề "Bút sắc, lòng son". Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) và hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).
Quảng cáo
moxa