Lãi từ dịch vụ tại ngân hàng NCB tăng trưởng mạnh, chỉ số CIR cải thiện đáng kể
Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng đang tìm nhiều cách để gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng. Trong đó, thu nhập dịch vụ được xem là nguồn thu dồi dào và ổn định nhất. Nếu như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán và góp vốn, mua cổ phần dễ bị tác động bởi thị trường thì hoạt động dịch vụ là "tiền trao cháo múc" có thu nhập bền vững hơn cả.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số, kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ ngân quỹ….
Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - mã: NVB), báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 118% so với cùng kỳ 2024, đạt gần 63 tỷ đồng, chủ yếu thu từ dịch vụ thanh toán hơn 87 tỷ đồng và thu khác về dịch vụ hơn 30 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất quý III năm 2024 tại ngân hàng NCB. |
Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần - nguồn thu nhập chính tại NCB cũng tăng trưởng 61% so với cùng kỳ, đạt hơn 768 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, một số nguồn thu ngoài lãi như kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư đều sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Kết quả, tổng thu nhập hoạt động tại NCB trong 9 tháng đầu năm tăng tới 44% so với cùng kỳ, đạt 1.052 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024 nên khả năng tối ưu chi phí hoạt động (CIR) của ngân hàng NCB đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) của NCB giảm tới 26,8 điểm% so với cùng kỳ xuống mức 96%, mức giảm này thuộc nhóm cao nhất toàn ngành.
Hơn 44.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trung và dài hạn
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản tại NCB tăng trưởng 13% so với đầu năm, đạt hơn 108.853 tỷ đồng. Huy động vốn và cho vay khách hàng tại ngân hàng tăng trưởng vượt trội. Trong đó, cho vay khách hàng đạt hơn 64.380 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 16%; tổng tiền gửi khách hàng tăng trưởng 17,6% so với đầu năm đạt hơn 90.350 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay trung và dài hạn tại NCB tính đến cuối tháng 9/2024 tăng 29% so với đầu năm, đạt 44.607 tỷ đồng.
Được biết, cho vay trung dài hạn kèm theo rủi ro về thanh khoản nhưng thường đem lại mức biên lãi cao hơn. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 30%. Với quy định trên, các tổ chức có nguồn vốn dài hạn mạnh (vốn chủ sở hữu lớn, huy động được nhiều vốn ở kỳ hạn dài...) sẽ có thể cho vay trung dài hạn nhiều hơn.
Đặc biệt, đến cuối tháng 9/2024, nợ nhóm 2 (nhóm nợ cần chú ý) tại NCB đã có dấu hiệu cải thiện, giảm đến 74% so với đầu năm, tương đương giảm từ 2.138 tỷ đồng xuống còn hơn 553 tỷ đồng.
Nợ nhóm 2 thường được coi như chỉ báo sớm cho tình hình nợ xấu của các ngân hàng. Trong thời kỳ khó khăn, các khoản nợ nhóm 2 có thể bị nhảy nhóm và trở thành nợ xấu. Ngược lại nếu diễn biến tích cực, nợ nhóm 2 có thể trở lại nhóm 1. Vì vậy, dư nợ nhóm 2 tại NCB giảm mạnh, là dấu hiệu cho thấy chất lượng tài sản có thể cải thiện trong tương lai.
Mới đây nhất, ngân hàng NCB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 618 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong nước, thu về hơn 6.178 tỷ đồng, chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 11.780 tỷ đồng. Ngân hàng NCB dự kiến sẽ dùng toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ lần này để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh; công nghệ và chuyển đổi số; xây dựng nhận diện thương hiệu và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ngân hàng NCB vừa triển khai chương trình vay vốn kinh doanh linh hoạt trong trung hạn dành cho Khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 7% năm và thời gian vay dài tới 60 tháng, tạo điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo sức bật kinh doanh trong năm mới.
NCB cho biết, trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra thị trường những giải pháp tài chính gắn liền với đời sống và sự phát triển của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mạch sản xuất, kinh doanh thông suốt. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp, số hóa các sản phẩm, dịch vụ, mang tới trải nghiệm khác biệt và nâng cao lợi thế cho khách hàng tổ chức, gia tăng giá trị cho cộng đồng.