VIB gia tăng trích lập dự phòng rủi ro
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - mã chứng khoán: VIB) cho thấy, trong quý II/2024 lợi nhuận sau thuế giảm tới 28% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 1.683 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tại VIB giảm 18% xuống còn 3.684 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối là điểm sáng của VIB, mang về 315 tỷ đồng lợi nhuận thuần, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ 18 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 528 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản thu hồi nợ đã được xử lý, bù đắp bằng nguồn dự phòng rủi ro, gần 500 tỷ đồng.
![]() |
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tại VIB suy giảm chính là gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và hoạt động kinh doanh cối lõi bị suy giảm.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần giảm 8% xuống còn hơn 7.981 tỷ đồng. Trong cơ cấu thu nhập lãi thuần, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 17% so với cùng kỳ, xuống còn 15.337 tỷ đồng chủ yếu là từ cho vay khách hàng và cho vay các TCTD khác đạt gần 13.558 tỷ đồng, giảm 15%.
Trong 6 tháng đầu năm, VIB ghi nhận hơn 6.680 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng), giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 36% đã kéo tổng lợi nhuận tại VIB giảm sâu.
Nguyên nhân của việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao có thể đến từ việc nợ xấu, đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).
![]() |
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ngân hàng VIB (nguồn: BCTC hợp nhất quý II.2024). |
Theo đó, tính đến cuối quý II/2024, nợ xấu tại VIB lên tới 10.200 tỷ đồng, tăng gần 22% so với đầu năm. Trong đó, riêng nợ nhóm 5 tăng tới 91%, ghi nhận hơn 4.205 tỷ đồng; trong khi nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,14% đầu năm lên 3,66% (vượt mức quy định của Ngân hàng nhà nước).
Điểm sáng của ngân hàng VIB chính là nợ cần chú ý (nhóm 2) tại thời điểm cuối quý II/2024 giảm 16% so với đầu năm, ở mức hơn 12.433 tỷ đồng.
Cho vay bất động sản tăng nhanh, tài sản thế chấp là bất động sản chiếm trên 60%
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng 1,5%. Dư nợ tín dụng tính đến hết quý II/2024 đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, tăng trưởng cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính.
Tính đến cuối quý II/2024, ngành nghề chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất của VIB là hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình gần 224.639 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 80%; Tiếp đến là dư nợ cho vay ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 15.925 tỷ đồng, tăng 19%, chiếm tỷ trọng gần 6%.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại VIB bất ngờ tăng gấp 3,6 lần so với đầu năm, từ 1.673 tỷ đồng lên hơn 6.164 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,2%. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay ngành xây dựng cũng tăng 11% lên gần 2.176 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II.2024. |
Đáng chú ý, tính đến cuối quý II/2024, tài sản thế chấp là bất động sản đang chiếm 66% tổng thế chấp của khách hàng tại ngân hàng VIB, ghi nhận hơn 378.355 tỷ đồng.
Bất động sản là tài sản thế chấp phổ biến nhất của các khoản vay tại ngân hàng, thường chiếm quá nửa giá trị tổng số tài sản thế chấp của các ngân hàng. Do đó, sự trầm lắng và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các ngân hàng từ cho vay, kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II.2024 |
Mới đây, VIB cũng vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 23/8/2024.
Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 17 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại tính đến cuối năm 2023. Sau đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.