Bí ẩn đền thờ Saksaywaman, ở Peru
Kỳ quan thế giới được xếp bằng những tảng đá, mà không cần một giọt vữa hay bất cứ nguyên vật liệu xây dựng nào. Nhưng chúng liền mạch và khít vào nhau đến nỗi một tờ giấy mỏng cũng khó có thể luồn qua vết nối giữa những tảng đá.
Mỗi khối đá còn sở hữu một bề mặt mịn và các góc bo tròn. Công trình này đã được xây dựng như thế nào? Không ai biết. Cũng không có nhà khoa học, nhà kiến trúc nào nghiên cứu được cách những người của nhiều thiên niên kỷ trước đã tạo ra chúng.
Bolivia che giấu bí ẩn cổng mặt trời
Cổng mặt trời được tìm thấy ở Tiwanaku - một thành phố cổ kính và bí ẩn ở Bolivia, là cổng vòm bằng đá hoặc cả một khối đá khổng lồ. Một số nhà khảo cổ học tin rằng đó là trung tâm của một đế chế khổng lồ từng tồn tại trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Không ai có ý tưởng gì về ý nghĩa của các hình chạm khắc trên cổng. Chúng có thể có một số ý nghĩa về chiêm tinh hoặc thiên văn, không ai dám chắc.
Cổng mặt trời ở Bolivia (Nguồn ảnh: @meredithewenson) |
Obelisk (Bút đá tháp) dang dở ở Ai Cập
Người Ai Cập cổ đại thường đặt một cặp obelisk tại lối vào các đền thờ linh thiêng. Theo quan niệm của họ, nó có sự liên kết chặt chẽ với Thần Mặt trời. Nhưng một phần của chiếc obelisk này được khắc thẳng từ khối đá, bị bỏ lại trong tình trạng dang dở. Kích thước của nó chỉ đơn giản là rất khổng lồ, tới mức đáng kinh ngạc.
Cũng không ai biết chính xác chúng được xây dựng như thế nào. Bởi đá granit rất cứng, với mức độ 6,5 trên thang đo Mohs (kim cương là độ 10). Nên để tạo hình cho đá granit, những người thợ thời đó cần một dụng cụ phải cứng hơn. Nhưng các kim loại có sẵn tại thời điểm đó đều quá mềm hoặc quá khó để sử dụng như một công cụ.
Rồi sau khi tạo hình xong thì tới việc di chuyển, làm sao họ có thể di chuyển một cây cột nặng 100 tấn từ mỏ đá đến địa điểm cần thiết. Có rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra, nhưng không ai biết chính xác họ đã làm như thế nào.
Kiến trúc bút đá tháp tại một ngôi đền thờ ở Ai Cập (Nguồn ảnh: @meredithewenson) |
Cận cảnh bút đá tháp với những hoa văn cổ xưa (Nguồn ảnh: internet) |
Thành phố dưới nước Yonaguni, Nhật Bản
Năm 1995, khi đang tìm kiếm địa điểm lặn, ông Kihachiro Aratake đã trở thành người đầu tiên phát hiện quần thể kiến trúc dưới nước Yonaguni Monument ở ngoài khơi bờ biển Yonaguni của Nhật Bản. Thành phố dưới nước này đã làm bối rối tất cả các lý thuyết khoa học. Tảng đá nơi mà nó được chạm khắc đã chìm dưới nước khoảng 10.000 năm trước - rất lâu trước cả khi các kim tự tháp Ai Cập được dựng lên.
Kể từ khi phát hiện, giới khoa học nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về việc Yonaguni Monument có phải do con người xây dựng? Một nhóm các chuyên gia do Giáo sư Masaaki Kimura đến từ Đại học Ryukyu dẫn đầu tiến hành nghiên cứu tại nơi này. Giáo sư Masaaki Kimura cho rằng, Yonaguni Monument do người cổ đại xây dựng nên bởi nơi đây có nhiều cấu trúc nhân tạo cùng đồ gốm, công cụ bằng đá và lò sưởi.
Thành phố dưới nước Yonaguni - Nhật Bản (Nguồn ảnh): internet |
Theo các nhà nghiên cứu, quần thể kiến trúc dưới nước Yonaguni Monument được xem là "thành phố Atlantis Nhật Bản". Tại địa điểm khảo cổ dưới nước này, họ phát hiện các cấu trúc giống kim tự tháp bậc thang.
Nhà địa chất học Schoch cho rằng, cấu trúc của thành phố dưới nước được tạo ra từ khối đá cứng nguyên vẹn, chứ không phải do các khối đá riêng biệt xếp chồng lên nhau. Sóng và thủy triều làm xói mòn đá cát, khiến nó có hình dạng giống bậc thang.
Trong khi đó, một số chuyên gia hoài nghi Yonaguni Monument là "sản phẩm" của người ngoài hành tinh. Theo quan điểm này, nền văn minh ngoài Trái Đất sở hữu công nghệ, kỹ thuật hiện đại mới có thể tạo ra công trình kỳ vĩ như vậy.
Để giải mã nguồn gốc của quần thể cấu trúc Yonaguni Monument, các chuyên gia cho hay sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu, khảo sát tại nơi này. Công chúng hy vọng giới khoa học sẽ sớm tìm được lời giải, giúp giải mã những thắc mắc về Yonaguni Monument.
Nguyên Ngọc (tổng hợp)