Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị. |
Ngày 18/11/2024, ITPC đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2024. Từ kết quả đánh giá năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã có sự nhìn nhận, đề ra phương hướng khắc phục. Nỗ lực cải thiện công tác điều hành của các cơ quan đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, góp phần không nhỏ vào công tác cải cách hành chính của Thành phố.
Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Nội vụ, năm 2023 Thành phố đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (tăng về điểm số và thứ hạng, đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước), tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Thành phố đứng thứ hạng 36 (đạt 81,78%) tăng 7 bậc và tăng 83,4% so với năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC cho biết: “Một điểm mới nổi bật của chương trình khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 là việc bổ sung thêm 3 đơn vị vào đối tượng được đánh giá gồm: Văn phòng UBND Thành phố, Sở Nội vụ, Cục Quản lý thị trường Thành phố, giúp tăng số lượng các Sở, ban ngành được đánh giá từ 25 đơn vị (năm 2023) lên 28 đơn vị trong năm 2024”.
“Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 của TP.HCM được xây dựng dựa trên nguyên tắc khách quan, khoa học, đảm bảo sự thống nhất, tính kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ DDCI năm 2023, điều chỉnh khắc phục các hạn chế; thiết kế lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào tất cả các khâu từ thực hiện khảo sát đến công bố kết quả đánh giá và kể cả theo dõi kết quả đánh giá sau khi công bố”, bà Hồ Thị Quyên cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Các điểm mới trong Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 bao gồm việc tinh giản một số chỉ tiêu không còn phù hợp và bổ sung các chỉ tiêu mới nhằm nâng cao khả năng đánh giá toàn diện. Đối với khối địa phương, Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 giữ nguyên 10 chỉ số thành phần với 58 chỉ tiêu chung cho 22 địa phương và 52 câu hỏi phần phiếu khảo sát; giảm 1 chỉ tiêu chung không phù hợp. Đối với khối Sở, ban ngành, Bộ Chỉ số bao gồm 9 chỉ số thành phần bao gồm 38 chỉ tiêu chung cho 28 đơn vị và 63 chỉ tiêu đặc thù riêng cho từng đơn vị; giảm 1 chỉ tiêu chung, 1 chỉ tiêu đặc thù và tăng 3 chỉ tiêu đặc thù. Thêm một nét mới trong quá trình xây dựng Bộ Chỉ số DDCI năm 2024, đó là việc áp dụng các tiêu chí đặc thù đối với 3 đơn vị bổ sung nhằm đảm bảo sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.
“Với việc áp dụng phương thức khảo sát trực tuyến kết hợp với phỏng vấn trực tiếp các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư chiến lược. Qua đó, đảm bảo tỷ lệ phản hồi hợp lệ đạt ít nhất 30% ở cả hai khối Sở, ban ngành và địa phương. Kết quả khảo sát sẽ được phân tích và báo cáo chi tiết, trong đó có các đánh giá chuyên sâu và khuyến nghị phát triển cho các nhóm địa phương, Sở, ban ngành có xếp hạng cao và thấp”, bà Hồ Thị Quyên cho biết.
Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2024 nhằm xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào tất cả các khâu từ thực hiện khảo sát, đến công bố kết quả đánh giá và kể cả theo dõi kết quả đánh giá sau khi công bố. |
Dự kiến, kết quả khảo sát sẽ được công bố vào ngày 15/12/2024. Việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban ngành và địa phương (DDCI) tại TP. Hồ Chí Minh năm 2024 không chỉ nhằm cải thiện chất lượng điều hành mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và hộ kinh doanh trong và ngoài nước. Qua đó, Thành phố mong muốn nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua các chỉ số cụ thể, như tính minh bạch trong thông tin, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian và chi phí không chính thức. Đây chính là những yếu tố góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy hành chính.
“Bên cạnh đó, Chỉ số xanh và Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống cũng được triển khai nhằm hướng tới phát triển bền vững xanh. Việc lồng ghép các yếu tố môi trường và sức khỏe vào bộ chỉ số đánh giá không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy Thành phố xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đây là cam kết mạnh mẽ của Thành phố trong việc phát triển kinh tế song hành cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường và cộng đồng”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ.
Với lộ trình và kế hoạch triển khai rõ ràng, UBND TP.HCM kỳ vọng Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 sẽ mang lại những đóng góp tích cực trong việc cải cách và hiện đại hóa nền hành chính công, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong giai đoạn tới.