Ngày 27/8, tại Hà Nội được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Cộng đồng Vietnam Open Infrastructure (VietOpenInfra), Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) đã tổ chức Hội thảo và Triển lãm “OpenInfra Days Vietnam 2022”.
Tại Việt Nam, OpenInfra Days Vietnam 2022 được tổ chức nhằm kết nối các nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư chính, lập trình viên từ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước để thúc đẩy sử dụng hạ tầng và ứng dụng nguồn mở. Tại đây đã có những bài trình bày, chia sẻ từ các chuyên gia về các lĩnh vực xu hướng hiện nay như Cloud, NFV, SDN, CI/CD, Machine Learning, Big Data, IoT,…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ: “OpenInfra Days Vietnam chính thức được tổ chức từ năm 2018 nhằm hưởng ứng sự kiện OpenInfra Days quốc tế được tổ chức bởi cộng đồng các chuyên gia về công nghệ mở tại rất nhiều quốc gia trên thế giới”.
Ở góc độ của Bộ TT và TT, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT và TT) cũng cho biết: “Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn thúc đẩy, xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, trên đó sử dụng công nghệ điện toán đám mây do Việt Nam làm chủ hoàn toàn. Để đi nhanh và về đích sớm nhất, chúng ta sử dụng mã nguồn mở và tri thức của nhân loại, trong đó có tri thức cộng đồng Việt Nam”.
Hiện nay, hầu hết các công nghệ nền tảng cho cách mạng công nghệ 4.0 đều mở: AI, Big Data, IoT,… Dữ liệu mở đang lên ngôi trong giáo dục với học liệu mở (MOOC), tài nguyên giáo dục mở (OER),… Tiêu chuẩn mở (Open Standard), chính sách tiêu chuẩn mở của khung liên thông của các quốc gia cũng đang là một vấn đề rất được quan tâm trên trường quốc tế và ngay tại Việt Nam. Công nghệ mở cũng được dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia tại Việt Nam như: Bluezone, CoMeet,.. hay mạng 5G Việt Nam cũng phát triển dựa trên chuẩn mở Open RAN.
Theo VIA, từ những năm 1983 trên thế giới ý tưởng về việc cung cấp mã nguồn có sẵn và miễn phí đã được đề xuất, đặt tiền đề cho sự hình thành của sáng kiến nguồn mở (Open Source Initiative, OSI ) vào năm 1998. Sau hơn 30 năm, phần mềm nguồn mở hiện diện ở mọi nơi, có trong hầu hết các ứng dụng thương mại. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới (Google, Amazone, Facebook, Microsoft,…) đều tham gia phát triển và đóng góp cho nhiều dự án công nghệ nguồn mở.
Sự kiện sẽ hoàn thành sứ mệnh tạo ra một sân chơi về công nghệ, bổ ích đối với người sử dụng và người tham gia phát triển các sản phẩm liên quan tới hạ tầng mở đồng thời tạo ra mối liên kết và sự gắn kết bền vững giữa người sử dụng, người phát triển, công ty kinh doanh và phát triển các sản phẩm về hạ tầng, phần mềm trên nền tảng nguồn mở.
Thanh Nga
Trên phương diện quốc tế, Open Infrastructure Foundation – một tổ chức phi Chính phủ thành lập năm 2012 hiện có khoảng hơn 82.000 thành viên từ 187 nước trên thế giới và là tổ chức quy tụ số lượng chuyên gia nguồn mở lớn nhất trên toàn cầu. Sản phẩm nổi tiếng của OpenStack Foundation là OpenStack – một nền tảng nguồn mở được phát triển từ năm 2010 để xây dựng hạ tầng trên công nghệ điện toán đám mây.