Cơ khí - Tự động hóa là quá trình sử dụng công nghệ, thiết bị để thực hiện các công việc hoặc quy trình mà trước đây cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Mục tiêu của tự động hóa là tăng năng suất, cải thiện chất lượng, và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí lao động. Với Việt Nam hiện nay, đây là hai lĩnh vực có vai trò sống còn trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Xây dựng mục tiêu của các chương trình KH&CN
Theo một số báo cáo quốc tế, thị trường tự động hóa toàn cầu năm 2024 là 200 tỷ USD và đến 2030 khoảng 400 tỷ USD. Riêng về robot, theo Statista, doanh thu thị trường Robot dự kiến sẽ đạt 46,11 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024, đến năm 2030, 80% con người sẽ tương tác với robot thông minh hàng ngày (tăng từ dưới 10% hiện nay).
Nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực cơ khí - Tự động hóa phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Hội thảo “Cơ khí – Tự động hóa phục vụ cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.
TS. Đỗ Quốc Quang – Chủ nhiệm Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” KC.03/21-30 (đơn vị tổ chức hội thảo), hiện nay, với các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong ngành cơ khí, tự động hóa sẽ không chỉ tăng cường năng lực sản xuất mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ông Hoàng Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Theo ông Hoàng Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, Cơ khí – Tự động hóa được coi là một lĩnh vực công nghệ cao, được ưu tiên đầu tư phát triển và có riêng 01 Chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 2021-2030.
Về nguồn nhân lực, có nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực cơ khí, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); đã có những bài báo lọt vào top của các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới; nhiều trường đào tạo các ngành về cơ khí – Tự động hoá, đặc biệt như Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Cơ hội đang đến, thực ra là đã đến, nhưng ai sẽ là người nắm bắt cơ hội này. Các doanh nghiệp, hay các nhà khoa học?” – ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Chương trình KH&CN cấp quốc gia được hình thành với mục đích quy tụ, tập trung các nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề KH&CN lớn, mang tính tổng thể, liên ngành và đa ngành. Ông Hoàng Anh Tú cho rằng, một chương trình KH&CN cần có 3 đặc điểm sau:
Khi xây dựng các chương trình KH&CN cấp quốc gia, cơ quan quản lý luôn đặt ra mục tiêu “kép”, mang tính tổng thể, phát triển KH&CN nhưng trọng tâm là phục vụ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mục tiêu của các chương trình KH&CN, các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, các sáng chế công nghệ và bên cạnh đó chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Chương trình KC.03/21-30 hiện nay là 1 trong 26 Chương trình KH&CN cấp quốc gia đang được triển khai với mục tiêu làm chủ công nghệ trong thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các sản phẩm cơ khí tiên tiến; làm chủ các hệ thống tự động hóa trong một số ngành kinh tế trọng điểm.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất để tìm thấy thị trường, đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp và đặc biệt là đổi mới công nghệ của chính bản thân doanh nghiệp đó.
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VAA. Ảnh: Duyên Nguyễn |
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh nhấn mạnh rằng đề tài là nơi tạo ra sân chơi thay đổi tư duy cho doanh nghiệp. Đây là nơi các doanh nghiệp có thể dựa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường để tích hợp và phát triển khoa học - công nghệ, tạo nên cú hích mạnh mẽ, giúp thay đổi tư duy và mở ra hướng phát triển mới.
VAA là một trong những hội nghề nghiệp, là nơi kết nối giữa nhà khoa học và sản xuất, các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, VAA sẽ mở rộng cả chiều sâu lẫn chiều rộng, sẽ có nhiều Chi hội được thành lập và khởi động lại Hội Robot. Mới đây, chi hội Tự động hóa Giao thông Vận tải và Logistics ra đời đúng lúc ngành giao thông vận tải rất cần, vừa thành lập xong đã có đơn hàng đặt rất nhiều cho hội nghiên cứu, tư vấn, thiết kế,...
Bên cạnh đó, PGS.TS. Bùi Quốc Khánh cũng kiến nghị cần có sự thay đổi về chính sách; phải có sự kết hợp giữa Viện, trường và các doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Bùi Quốc Khánh, PGS.TS. Lê Thu Quý - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt cho biết, đóng góp của chương trình KC.03 vào các hoạt động rất đa dạng, theo nhu cầu phát triển thực tế; Nhà nước đã đặt ra các chương trình ưu tiên, các viện, doanh nghiệp theo kinh nghiệm, mảng hoạt động của mình đề xuất.
Từ khía cạnh đơn vị nghiên cứu, mong muốn đề tài, có tính ứng dụng lâu dài có tính đóng góp phát triển của đất nước nhưng hiện nay nhiều đề tài làm xong nhưng tính ứng dụng chưa cao, PGS.TS. Lê Thu Quý cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các bên và Nhà nước nên “đặt hàng” và đồng hành cùng doanh nghiệp trong những vấn đề liên quan.
Từ khía cạnh là đơn vị doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô và y tế, KS. Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Think Smart đã chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Bà cho rằng, hiện nay rất cần những đề tài được Bộ cấp kinh phí, nhưng quy trình thực hiện còn phức tạp trong khi doanh nghiệp cần thực hiện nhanh để kịp thời cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do hạn chế này nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội. "Thông qua chương trình, hy vọng Ban Chủ nhiệm các chương trình cũng như các Bộ, ngành sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và tiếp nhận nhanh hơn các thủ tục cũng như những đề tài được Bộ cấp kinh phí" - KS. Nguyễn Thanh Thuỷ kiến nghị.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Đây là nơi tập trung dân số đông đúc, với hàng chục triệu người sinh sống và làm việc. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng công nghiệp và nông nghiệp. Với sự phát triển của các khu công nghiệp lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại và hệ thống giao thông phát triển, vùng kinh tế này đã và đang là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả nước. Việc tăng cường áp dụng cơ khí và tự động hóa vào sản xuất sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả lao động mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và sản lượng của các sản phẩm công – nông nghiệp. |