Năm mới, PV Power sinh năng lượng, dưỡng tương lai PV Power nỗ lực vì an ninh năng lượng quốc gia Đảng bộ PV Power - Hạt nhân lãnh đạo toàn diện, nâng tầm doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng |
![]() |
Hạt nhân của chiến lược chuyển đổi số ấy là hệ thống Power Monitoring, một giải pháp khai thác nền tảng PI System của OSIsoft, được PV Power phát triển thành “bộ não kỹ thuật số” giám sát hiệu suất nhà máy theo thời gian thực.
Theo nhóm nghiên cứu do Phó trưởng Ban Kỹ thuật Nguyễn Hữu Hùng chủ trì, phần mềm này thực hiện đồng thời bốn nhiệm vụ: thu thập, lưu trữ, mô hình hóa và trực quan hóa dữ liệu, từ đó giúp kỹ sư nắm bắt biến động vận hành tức thì, dự đoán suy hao và tối ưu hoá chế độ chạy máy.
Các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí, vốn chịu nhiệt độ, áp suất cao, lại luôn biến động theo tải và chất lượng nhiên liệu thường suy giảm hiệu suất sau mỗi chu kỳ vận hành, kéo theo tổn thất năng lượng và chi phí bảo trì. Những phương pháp đo thủ công hay báo cáo chậm một bước so với nhịp biến động; trong khi đó, Power Monitoring kết nối trực tiếp tín hiệu công nghệ từ hệ DCS qua PI Interfaces, đẩy về máy chủ PI Server, xây dựng bản sao số thiết bị trên PI Asset Framework.
![]() |
Mô phỏng cấu trúc hệ thống Power Monitoring |
Tại tầng phân tích, module Asset Analytics so sánh dữ liệu thực tế với các mô hình ASME PTC và ISO, liên tục tính toán KPI cho lò hơi, tuabin, bình ngưng, HRSG, APH…; khi bất kỳ thông số lệch khỏi dải cho phép, PI Event Frames lập tức sinh cảnh báo và gửi về bảng điều khiển PI Vision. Nhờ vậy, kỹ sư ca trực ở Nhơn Trạch 2 hay Vũng Áng 1 có thể phát hiện điểm suy hao từ sớm, đưa ra quyết định điều chỉnh chế độ đốt hoặc sắp xếp bảo trì chủ động, thay vì chờ tới kỳ đại tu định kỳ.
|
Sau hai năm triển khai, hệ thống Power Monitoring đã phủ hầu hết các trung tâm phát điện chủ lực của PV Power - Vũng Áng 1, Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2 và chứng minh hiệu quả rõ nét: các điểm tổn thất nhiệt được phát hiện sớm, giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu; số giờ dừng máy đột xuất giảm đáng kể nhờ cảnh báo rung động và quá nhiệt bất thường; dữ liệu vận hành được chuẩn hóa, chia sẻ xuyên suốt từ kíp vận hành tới ban lãnh đạo, tạo nền văn hóa điều hành dựa trên chứng cứ số. Theo kết quả phân tích nội bộ, tỷ lệ sẵn sàng tổ máy tăng, chi phí nhiên liệu và bảo trì giảm, đồng thời tuổi thọ thiết bị được kéo dài nhờ vận hành trong dải tối ưu.
![]() |
Mô phỏng cấu trúc hệ thống Power Monitoring. |
Để khai thác triệt để tiềm năng, PV Power đang nâng cấp Power Monitoring theo hướng tích hợp với ERP và CMMS, kết nối chặt chẽ khâu sản xuất với tài chính, vật tư, bảo dưỡng; dự kiến áp dụng trí tuệ nhân tạo và học máy vào phân tích dự đoán, xây dựng bản sao số Digital Twin cho từng tổ hợp tuabin - lò hơi. Khi đó, mọi quyết định phân bổ phụ tải, thay thế thiết bị hay nhập khẩu phụ tùng sẽ dựa trên mô phỏng thời gian thực, giúp doanh nghiệp giảm tồn kho và tối ưu chi phí vòng đời. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng hệ thống cho các nhà máy điện gió, thủy điện và điện mặt trời mà PV Power đang khai thác hoặc đầu tư mới, qua đó tạo một kho dữ liệu lớn kết nối toàn bộ danh mục phát điện.
Bằng việc tự nghiên cứu tham số hóa PI System, PV Power không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí mua sẵn giải pháp mà còn làm chủ hoàn toàn thuật toán, phù hợp điều kiện vận hành nhiệt đới và đặc thù nhiên liệu Việt Nam. Thành công này củng cố vị thế tiên phong của doanh nghiệp trong ngành năng lượng, đồng thời cung cấp mô hình tham chiếu cho các nhà máy điện khác đang tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số sâu.
Với Power Monitoring làm nền tảng, PV Power bước vào giai đoạn phát triển bền vững mới: tối ưu hiệu quả, nâng cao độ tin cậy và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường điện ngày càng mở.
Hồng Minh (tổng hợp)