Từng bước phát triển ổn định
PV Power hiện là nhà sản xuất điện năng lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. PV Power được thành lập vào tháng 5/2007, hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tại PV Power là 79,94%. PV Power hiện đang quản lý 7 nhà máy điện gồm 4 nhà máy điện khí, 1 nhà máy điện than, 2 nhà máy thủy điện và các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt là 4.209,6 MW, chiếm khoảng 10% công suất đặt toàn hệ thống nhưng đóng góp trung bình hàng năm khoảng 21 tỷ kWh, chiếm từ 11-12% tổng hệ thống điện quốc gia. Tính đến nay PV Power đã sản xuất và phát lên hệ thống điện trên 250 tỷ kWh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, tổng công suất của PV Power đạt 5.760-9.560 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 30-47 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân 3-4%.
Số liệu về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của PV Power cho thấy Tổng công ty đang duy trì tốt đà tăng trưởng. Sản lượng điện đạt 14,442 tỷ kWh; tổng doanh thu đạt 29.075 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.442 tỷ đồng; nộp Ngân sách nhà nước đạt 1.475 tỷ đồng, bằng 168% kế hoạch.
PV Power hiện đang trong quá trình đầu tư nhiều dự án điện sử dụng LNG có quy mô lớn như Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, triển khai xúc tiến đầu tư các dự án điện khí LNG (Quảng Ninh, Nghi Sơn, Vũng Áng 3, Cà Mau 3, Quỳnh Lập); phát triển các trạm sạc xe điện; các dự án thủy điện (Lâm Sơn, Tân Thượng, Nậm Nơn, Trà Linh,...). Cùng với đó, PV Power cũng đang trong quá trình chuyển đổi một số nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên sang LNG.
Ngày 04/10/2024, PV Power và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, một trong những hợp đồng quan trọng trước khi nhà máy đi vào hoạt động thương mại.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án trọng điểm quốc gia, do PV Power là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.624 MW. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, có công nghệ (turbine khí) hiện đại do GE (Hoa Kỳ) cung cấp với công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho ba khu vực công nghiệp lớn ở phía Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bằng việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG hiệu suất cao và công nghệ thế hệ H hàng đầu của GE, các nhà máy giảm thiểu được tác động đến môi trường với lượng phát thải carbon ít hơn 60% so với các nhà máy nhiệt điện có cùng sản lượng điện chạy bằng than.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 60ha, tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) với tổng mức đầu tư trên 2,2 tỷ USD, công suất 1500MW, do Liên danh PV Power - Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam - Công ty Tokyo Gas Co., Ltd - Marubeni Corporation thực hiện.
Đây là dự án điện đầu tiên tại miền Bắc sử dụng LNG nhập khẩu, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nhanh nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, phù hợp với định hướng của trung ương, đóng góp nguồn điện mới vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh thành cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, nguồn cung cấp nhiên liệu và năng lượng của quốc gia.
Phối cảnh Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. |
Hướng đến xanh hóa nguồn cung ứng điện
Trong chiến lược phát triển dài hạn, PV Power xác định lấy công nghiệp điện khí là định hướng phát triển chủ đạo, đồng thời lựa chọn các dự án thích hợp để phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối và các dự án sản xuất nhiên liệu mới như hydro, amoniac xanh để dần thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy nhiệt điện, phù hợp với chủ trương của Chính phủ hướng tới Net Zero vào năm 2050 và xu hướng của thế giới…
Phát triển ngành điện lực là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, điện phải đi trước và là nguồn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang năng lượng sạch, đặc biệt thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo trong ngành điện. Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức đáng kể vào năm 2030 và xa hơn nữa, tập trung vào điện gió, điện mặt trời, và điện khí tự nhiên. Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ tăng trưởng điện mặt trời, với công suất tăng từ gần như bằng 0 lên 11% chỉ trong 4 năm.
Năm 2023, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất điện mặt trời. Nhiều công ty điện lực tại Việt Nam, như EVN và các đơn vị liên quan, đang tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, từ điện gió ngoài khơi đến các nhà máy điện khí hiện đại, để đảm bảo cung cấp đủ điện và giảm phát thải carbon. PV Power với cương vị là đơn vị nòng cốt của Petrovietnam trong lĩnh vực điện đã, đang từng bước “xanh hóa” theo đúng chiến lược đề ra.
Tuy nhiên, ngành điện lực Việt Nam vẫn đối mặt với các rào cản như thiếu vốn đầu tư (ước tính 134,7 tỷ USD cho giai đoạn 2021–2030), cơ chế tài chính chưa hoàn thiện, và nhu cầu điện tăng trưởng nhanh. Chính phủ đang tìm cách cải thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư xanh, bao gồm ưu đãi cho điện mặt trời và các dự án năng lượng tái tạo khác. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc huy động đầu tư quốc tế và xây dựng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Trạm sạc xe điện đầu tiên được PV Power lắp đặt tại Hà Nội. |
Theo Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt 130.371 — 143.839 MW, trong đó nhiệt điện than từ 52% tổng công suất toàn hệ thống sẽ giảm xuống còn 28% – 31%. Điện tái tạo vươn lên vị trí thứ hai 24% – 25%, tiếp theo là nhiệt điện khí, tính cả khí LNG, nâng lên 21% – 22% từ mức khoảng 10% hiện nay và thủy điện chiếm tỉ trọng ít nhất 17% – 19%. Còn lại nhập khẩu điện từ 3% – 4%. Dự báo đến năm 2045, điện than sẽ tiếp tục giảm tỉ trọng, điện tái tạo sẽ vươn lên mức cao nhất, sau đó tới điện khí (20% – 21%), điện than xuống vị trí thứ ba và cuối cùng là thủy điện.
Điện khí được xem là nguồn điện huy động nhanh và ổn định, bổ trợ cho điện tái tạo khi các nhà máy điện tái tạo không thể phát điện do thời tiết. Việc phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu khí LNG nhập khẩu. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đề xuất khi tăng công suất nhiệt điện khí vào năm 2030, phần lớn trong số này dự kiến sẽ sử dụng LNG nhập khẩu.
Nhằm đáp ứng các cam kết của Chính phủ, Petrovietnam đang có những nỗ lực lớn tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Trong đó, hai đơn vị thành viên Petrovietnam là PV GAS và PV Power đang tiên phong cung cấp/sử dụng LNG nhập khẩu để sản xuất điện phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. PV GAS đã và đang tích cực triển khai các bước chuyển dịch năng lượng tích cực, chủ động đưa nguồn LNG nhập khẩu thành nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho các nhà máy điện chạy khí tại Việt Nam, từng bước thay thế cho nguồn khí tự nhiên đang ngày càng suy giảm nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Bộ (với sản lượng giảm khoảng 01 tỷ m3 khí tiêu chuẩn mỗi năm).
Ngày 19/11/2024 vừa qua, PV GAS và PV Power đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp LNG để chạy thử nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và nhà máy điện Nhơn Trạch 4. Hợp đồng này đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, khẳng định bước tiến mới của hai đơn vị thành viên thuộc Petrovietnam trong lộ trình triển khai LNG nhập khẩu, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng sạch phục vụ nền kinh tế. Còn nhớ, cuối năm 2021, PV Power và Novatek (Liên Bang Nga) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển các dự án điện sử dụng khí LNG và năng lượng tại Việt Nam. Novatek là nhà sản xuất và xuất khẩu LNG hàng đầu tại Nga với nhiều dự án lớn, điển hình là dự án Yamal LNG hiện đang cung cấp khoảng 5% sản lượng LNG toàn cầu, tương đương khoảng 18 triệu tấn/năm. LNG cũng là một trong số ít tập đoàn năng lượng được Nga cấp giấy phép xuất khẩu LNG trực tiếp.
Được biết, PV Power đã và đang tích cực mở rộng hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch thông qua các dự án và quan hệ đối tác chiến lược. PV Power đã ký thỏa thuận hợp tác với Vingroup nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện và lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở của Vingroup. Dự kiến, PV Power sẽ xây dựng và chuyển giao 1.000 trạm sạc xe điện giai đoạn 2025-2030 để hỗ trợ hệ sinh thái xe điện của VinFast. PV Power đã ký thoả thuận hợp tác với EN Technologies Inc. (Hàn Quốc) trong việc phát triển các trạm sạc xe điện.
PV Power đã ký kết với nhiều đối tác nhữ Quỹ đầu tư Asong Invesst, PVA Energy Solutions và 60Hertz (Hàn Quốc) để phát triển các nhà máy năng lượng tái tạo. Những đối tác này không chỉ mang lại kinh nghiệm công nghệ mà còn kết nối các nhà đầu tư quốc tế để thúc đẩy dự án năng lượng sạch tại Việt Nam.
Bên cạnh những quan hệ hợp tác đã đề cập, PV Power đang tích cực mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước nhằm phát triển năng lượng sạch. Trong đó tập trung tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư xanh và tổ chức tài chính quốc tế để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và hydrogen xanh. Việc hợp tác này không chỉ đảm bảo nguồn vốn mà còn tạo cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại. Đồng thời PV Power phối hợp với các công ty Việt Nam và quốc tế để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất thiết bị, vận hành, và bảo trì các nhà máy điện tái tạo. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị và tăng tính tự chủ trong ngành. PV Power cũng hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam để triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy hoạch phát triển địa phương, chẳng hạn như tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Những nỗ lực này không chỉ giúp PV Power đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng mà còn đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Tính đến nay, kết quả sản xuất kinh doanh của PV Power luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ hằng năm. Các chỉ số tài chính an toàn tuyệt đối, đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn bền vững. Sự đóng góp các nguồn điện liên tục, ổn định từ các nhà máy điện của Tổng công ty có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và phục vụ đời sống nhân dân.
Tuabin khí 9HA tần số 50Hz - công nghệ có hiệu suất cao nhất của GE là loại tuabin được lắp đặt tại Nhà máy nhiệt điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4. Ảnh: GE |
Hải Minh