Hiện nay, Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều bước tiến đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Quá trình chuyển đổi số, từ đơn giản đến phức tạp, đang diễn ra trong mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh tế, hình thành những nhà máy thông minh. Trong đó, các công nghệ sản xuất hiện đại đang trở thành những mắt xích quan trọng không thể thiếu, giúp mỗi doanh nghiệp ngày càng tiến gần hơn tới đích đến của nền sản xuất tương lai hay còn gọi là sản xuất thông minh.
Ngày 20/6/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Hội nghị “Tự động hóa và năng lượng – Động lực cho sản xuất thông minh”.
Bình Dương khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế thông qua tự động hoá, hướng tới sản xuất thông minh
Sản xuất thông minh là việc kết hợp quy trình vật lý và kỹ thuật số vào trong các nhà máy cũng như các chức năng khác của chuỗi cung ứng để tối ưu hóa các yêu cầu về cung – cầu ở hiện tại hoặc tương lai. Điều này được thực hiện bằng cách chuyển đổi, cải thiện cách thức mà con người, quy trình, công nghệ vận hành để cung cấp thông tin quan trọng cần thiết nhằm tác động đến chất lượng, hiệu quả, chi phí và sự linh hoạt của quyết định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Thi – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết: “Để duy trì đà phát triển, Bình Dương đã chú trọng đẩy mạnh tự động hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất, từ đó không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại như robot công nghiệp, hệ thống điều khiển tự động và dây chuyền sản xuất thông minh. Điều này không chỉ cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một địa phương tiên tiến về công nghệ và sản xuất hiện đại”.
“Song song với quá trình tự động hóa, việc quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh. Với nguồn năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, tỉnh Bình Dương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Bình Dương đã phát triển các khu công nghiệp xanh với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng. Thành phố thông minh Bình Dương – Top 1 ICF năm 2023 (Cộng đồng thông minh Thế giới) là một ví dụ điển hình, không chỉ là một điểm sáng về công nghệ và quản lý thông minh mà còn là hình mẫu cho sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trường Thi cho biết thêm.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Bình Dương. Từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, Bình Dương đã thu hút được hơn 341 triệu USD vốn FDI, với 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới. Luỹ kế, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Thực hiện chuyển đổi những mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, thông minh đã và đang là định hướng trong thời gian tới của chính phủ Việt Nam mà doanh nghiệp không thể đứng ngoài, thậm chí WTC đã kết hợp, nhận tư vấn từ nhiều đơn vị để không chỉ tiến hành tại Bình Dương mà hàng chục khu công nghiệp trên cả nước có sự góp mặt của WTC cũng thực hiện chiến lược này”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh – Giám đốc điều hành World Trade Center Bình Dương New City (WTC Bình Dương) chia sẻ.
“Kỳ vọng và hoàn toàn có cơ sở xác định Bình Dương sẽ trở thành trung tâm giao thương thương mại thế giới mới kết nối không chỉ giao thương các tỉnh trọng điểm phía Nam mà của toàn cầu. Những hoạt động giao thương, kết nối mang tầm quốc tế sẽ giúp mang nhiều công nghệ tự động hoá hiện đại trên thế giới về Việt Nam và hiện thực hoá sớm hơn kỳ vọng trên”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Giám đốc điều hành Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Việt Nam có 418 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 129.900ha. Trong đó, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, các khu công nghiệp này đang hướng đến phát triển bền vững nên có những thiết kế tổng thể một cách thông minh và chuyển đổi năng lượng truyền thống qua năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp sắp được hình thành buộc phải có những định hướng ngay từ đầu trong công tác thiết kế, xây dựng và vận dụng công nghệ để kịp thời xu hướng sản xuất thông minh”.
“Để bắt kịp xu thế, các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống, công nghệ và giải pháp nhằm giảm lượng phát thải, cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa”, bà Nguyễn Thị Kim Khánh cho biết thêm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đẩy mạnh tự động hóa và quản lý năng lượng hiệu quả hướng tới sản xuất thông minh, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều chính sách đa dạng. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, đào tạo nhân lực và kết nối giao thương, đặc biệt thông qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới nhất. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường.
Chuỗi triển lãm quốc tế hàng đầu Châu Á về máy móc thiết bị tự động hoá, Triển lãm điện và năng lượng góp phần thúc đẩy sản xuất thông minh
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, diễn giả trình bày các tham luận: Khuôn khổ nhà máy thông minh và phát triển năng lượng điện của Hàn Quốc; thúc đẩy thương mại và chiến lược phát triển công nghiệp, tự động hóa của Việt Nam; phát triển khu công nghiệp hướng tới thông minh, chính sách bền vững và Net zero.
“Công nghệ là một thành phần không thể thiếu của sản xuất thông minh. Sản xuất thông minh tận dụng những tiến bộ và sáng kiến này để mở ra tiềm năng thực sự của từng công nghệ và chiến lược. Khi sản xuất thông minh biến các nhà máy truyền thống thành nhà máy thông minh, việc triển khai nó cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành sản xuất”, PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hoá Thành phố Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ.
“Việc áp dụng các nguyên tắc sản xuất thông minh trong một cơ sở sản xuất có thể làm cho một nhà máy trở nên “thông minh” hơn. Một nhà máy thông minh cần phải tối ưu hóa các ứng dụng của phần mềm, công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh để cải thiện các quy trình sản xuất truyền thống hiện có. Vì dữ liệu của nhà máy thông minh chủ yếu là kỹ thuật số, nên nhà máy sẽ hoạt động theo cách giúp dữ liệu cần thiết có thể truy cập được trong thời gian thực, chúng có thể kết nối được với nhau, tương tác linh hoạt giữa các tầng quản lý, từ tầng chiến lược đến tầng vận hành và ngược lại, hỗ trợ cho quá trình tự động hóa”, PGS.TS Lê Hoài Quốc chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố thông tin về Automation World Vietnam 2024 – Chuỗi triển lãm quốc tế hàng đầu Châu Á về máy móc thiết bị tự động hoá và Electric Energy Show 2024 (ELECS 2024) – Triển lãm điện và năng lượng sẽ chính thức diễn ra từ ngày 25 – 27/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC EXPO, Thành phố Mới Bình Dương. Triển lãm quy tụ các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tự động hoá, điện và năng lượng từ khắp nơi trên thế giới, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Với quy mô hơn 10.000 m², Automation World Vietnam và Electric Energy Show 2024 sẽ thu hút hơn 150 doanh nghiệp với hơn 200 gian hàng cho mỗi sự kiện và sự tham gia của hàng ngàn khách tham quan trong nước và quốc tế. Triển lãm sẽ thu hút doanh nghiệp của các địa phương trọng điểm trong cả nước tham gia bao gồm: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành khác.
Automation World Vietnam 2024 và ELECS 2024 được tổ chức nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực tự động hoá, điện và năng lượng, đồng thời tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Triển lãm sẽ là diễn đàn để các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị và dịch vụ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Triển lãm năm nay sẽ có sự tham gia của các tập đoàn lớn như: Daekhon Vina, Autonic, Evvolabs, LS Electric, Hanyoung Nux, cụm doanh nghiệp Becamex, khu công nghiệp KTG, VSIP,… đồng thời, đem đến các sản phẩm và các công nghệ mới nhất, giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, sản xuất thông minh, xanh và Net Zero tại Việt Nam
Bên lề triển lãm là các hoạt động kết nối doanh nghiệp; hội thảo chuyên đề về xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ mới và giải pháp tối ưu trong lĩnh vực tự động hoá, điện và năng lượng; tìm hiểu các công nghệ tiên tiến nhất và các dây chuyền sản xuất được đầu tư bài bản ngay tại nhà máy của các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Đạm Lê Quang