Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) vừa có báo cáo kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban ngành và địa phương (DDCI) TP. Hồ Chí Minh năm 2023.
Việc thực hiện khảo sát DDCI năm 2023 nhằm tạo động lực cạnh tranh và cải cách tại cấp cơ sở thông qua xếp hạng thường niên và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan cùng chính quyền thành phố liên tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác điều hành kinh tế, hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng bền vững.
Có 10 chỉ số cho khối địa phương và 9 chỉ số cho khối Sở, Ban ngành. Trong đó có 2 chỉ số mới là Chỉ số Xanh (tham chiếu đến PCI năm 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của TP. Hồ Chí Minh) và Chỉ số Sức khỏe và Môi trường sống (tham chiếu đến thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính và là điểm đến cho các chuyên gia quốc tế).
Điểm trung bình của 20 đơn vị Sở, Ban ngành (không tính các đơn cơ quan ngành dọc) là 57 điểm. Điểm trung vị là 53 điểm. Đây là mức điểm khá, phản ánh sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp với các Sở, Ban ngành TP. Hồ Chí Minh là tương đối tích cực.
Đơn vị đứng đầu là Sở Du lịch, với mức điểm là 85,84 điểm thể hiện nỗ lực của đơn vị trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và được các doanh nghiệp ghi nhận. Các đơn vị khác trong Top 5 bao gồm: Sở Thông tin và Truyền thông (83,35 điểm), Sở Tài chính (82,78 điểm), Sở Khoa học và Công nghệ (78,90 điểm) và Sở Giáo dục & Đào tạo (70,02 điểm).
Bên cạnh 20 đơn vị được xếp hạng thì 5 đơn vị ngành dọc được phân tích và đánh giá riêng bao gồm: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Cục Hải quan Thành phố và Công an Thành phố.
Kết quả khối địa phương: Điểm trung bình của 22 đơn vị khối địa phương là 52,14 điểm và điểm trung vị là 53,14 điểm. Về thứ hạng, Quận Phú Nhuận tiếp tục là đơn vị đứng đầu với 75,76 điểm hài lòng từ doanh nghiệp cho thấy đơn vị không ngừng nỗ lực để duy trì chất lượng dịch vụ công và được các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận. Điểm số này cao hơn khoảng 42,57% so với trung vị. Các đơn vị tiếp theo trong Top 5 đơn vị đứng đầu là Quận Tân Phú (72,64 điểm), Quận 6 (65,30 điểm), Huyện Cần Giờ (65,03 điểm) và Quận 5 (63,87 điểm).
Kết quả khảo sát DDCI 2023 cho thấy hầu hết các Sở ngành và địa phương đều có sự cải thiện về điểm số, cho thấy tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cải cách của các Sở, Ban ngành và địa phương của Thành phố.
Một số Sở ngành, đơn vị đã nỗ lực thăng hạng trong năm 2023. Nếu năm 2022 từ thứ hạng ở nhóm trung vị và dưới trung vị, năm nay đã vươn lên giữ vị trí cao. Một số đơn vị cũng đã cải thiện thứ hạng, đồng thời có đơn vị dù đã nỗ lực cải cách nhưng vẫn chưa thể thăng hạng. Một số Sở ngành đã bị tụt hạng trong năm 2023, trong đó có những đơn vị đã từng giữ thứ hạng cao trong năm 2022. Sự tụt hạng không có nghĩa các đơn vị này yếu kém, không có cải cách hay nỗ lực cải thiện trong năm 2023, mà có thể do những nỗ lực đó chưa đủ để bứt phá, vượt lên trên các đơn vị bạn và đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của doanh nghiệp Thành phố.
Kết quả xếp hạng DDCI dựa trên tổng điểm của 9 hoặc 10 tiêu chí thành phần. Kết quả khảo sát 2023 cho thấy điểm số giữa các tiêu chí của mỗi Sở ngành hay địa phương trong nhóm đầu, nhóm trung vị và nhóm cuối tương đối đồng đều. Nghĩa là những Sở ngành và địa phương được đánh giá tốt thì thường tốt ở hầu hết hoặc phần lớn các tiêu chí. Ngược lại, những địa phương bị đánh giá chưa tốt thì đa phần các tiêu chí cũng chưa tốt. Do đó, muốn cải thiện năng lực cạnh tranh, các đơn vị cần cải cách tổng thể và toàn diện.
Đánh giá theo từng nhóm tiêu chí cho thấy, ở góc độ Sở ngành, chỉ số sức khỏe và môi trường sống được đánh giá cao nhất trong số các chỉ số thành phần; trong khi đó chỉ số cạnh tranh bình đẳng được đánh giá thấp nhất. Ngược lại, nhìn ở góc độ địa phương thì chỉ tiêu cạnh tranh bình đẳng được đánh giá cao nhất, trong khi chỉ tiêu kém nhất là tính minh bạch, thông tin và chuyển đổi số. Điều này cho thấy những kỳ vọng của doanh nghiệp về những đòi hỏi cải cách và năng lực đáp ứng đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương là rất khác nhau.
Những yếu tố khác biệt này có thể dẫn đến các thiên lệch trong đánh giá và so sánh kết quả. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những khác biệt đó, xét trong cùng một môi trường kinh tế, chính sách, lãnh đạo và quản trị chung của Thành phố, kết quả đợt khảo sát sẽ giúp các đơn vị đánh giá lại hoạt động của mình, luôn nỗ lực cải cách để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đạm Lê Quang