Ẩm thực rươi |
Hồi học cấp một, trong sách dạy tập đọc có truyện “Ngửi mùi chả, trả tiếng tiền”. Chuyện rằng có anh học trò nghèo ngày ngày đi học, trưa về bụng đói meo. Đi qua hàng bún chả đang quạt chả nướng thơm điếc mũi, anh chàng dừng lại hít hà và khen chả nướng ngon quá! Ngày nào cũng thế khiến chủ quán bị chọc tức, liền túm áo đòi tiền vì đã hít mùi chả mà không trả tiền. Anh học trò bảo: “Ông đưa cái đĩa ra đây tôi sẽ trả.” Nói đoạn, anh lấy đồng xu trong túi ra thả vào cái đĩa, tiếng xu đồng lanh lảnh rơi xuống chiếc đĩa sứ. Nhanh tay nhặt tiền bỏ vào túi, anh học trò trả lời chủ quán: “Tôi ngửi mùi chả của ông thì xin gửi lại ông cái tiếng của đồng tiền của tôi. Thế là hòa!”
Chuyện lâu tưởng đã quên nhưng rồi sự đời lắm lúc lại làm ta nhớ lại. Cái thời bao cấp khốn khó, bà mẹ tôi dành dụm tem phiếu tích lại cho đủ dăm lạng, chờ đến ngày nghỉ lễ, các con đi sơ tán mỗi đứa một nơi về mới mua ít thịt bụng, quạt chả làm món bún chiêu đãi cả nhà, gọi là bữa ăn tươi. Những dịp “ăn tươi” của người Hà Nội lúc ấy hiếm lắm, mà cũng phải đến các dịp lễ như Quốc khánh hay Quốc tế lao động thì cả nhà mới có cơ hội đoàn tụ.
Chả xiên nướng |
Ngày ấy, mỗi lần quạt chả là cả cái xóm phố nhỏ của tôi bị điếc mũi vì mùi chả nướng. Hàng xóm kháo nhau: Nhà ấy lại ăn sang rồi! Mẹ chỉ cười: “Có ba lạng thịt cả chục miệng ăn! Sang thật đấy!” Mẹ tôi cầu kỳ lắm, mỗi khi đun bếp, bà lấy cái cặp tre nhặt những viên than củi hồng, nhúng vào cái ống bơ đựng nước để bên, bà gọi là tôi than. Những viên than đã tôi được tích lại trong cái bị treo cạnh bếp củi. Bà bảo, nướng chả thì phải nướng bằng than củi nó mới thơm, mới ngon. Những giọt mỡ chảy ra từ miếng thịt nhỏ xuống cục than hồng bốc khói xèo xèo, tỏa ra một hương vị thật hấp dẫn. Cái mùi chả nướng ấy mà nó ám vào tóc thì phải gội đầu mới sạch, vì thế khi quạt chả, bao giờ bà cũng cuốn khăn bịt tóc… Mẹ qua đời đã lâu nhưng cứ đến ngày giỗ mẹ, mấy chị em chúng tôi lại làm món bún chả đặt lên mâm cỗ dâng mẹ.
Hôm qua, nhân ngày giỗ, cô em gái tôi cầu kỳ sắm về một cái nồi nướng điện rất sang. Cho các miếng thịt vào khay nướng, bấm nút điện là một ánh sáng màu hồng từ đèn halogen rực lên, từng miếng chả được nướng xèo xèo chảy mỡ xuống cái khay ở dưới. Cả lũ trẻ xúm vào trầm trồ. Ô, hay quá, sạch quá, hiện đại quá! Chẳng có tí khói nào!
Bún chả nem |
Thế nhưng xiên chả lấy ra khỏi nồi chẳng thấy có mùi thơm như xiên chả khi xưa mẹ làm những lần hiếm hoi cả nhà “ăn tươi”, chỉ khi đưa vào miệng mới thấy cái vị của chả còn mũi thì chẳng ngửi thấy mùi gì. Tự nhiên cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì đó.
Thì ra cái mùi thơm của thịt nướng là một vị không thể thiếu khi ta thưởng thức món bún chả. Người sành ẩm thực thì không chỉ biết cảm khoái của cái lưỡi, mà còn phải biết hít hà hương thơm của từng món ăn và nó đã trở thành yếu tố không thể thiếu được khi thưởng thức.
Ăn uống cầu kỳ và thi vị thay. Đâu phải cứ hiện đại mà thay thế được.
Hà Nội 5/8/2012