Thị trường chứng khoán ngày 12/5: VN Index vượt 1.280 điểm nhờ lực kéo từ nhóm trụ Thị trường chứng khoán ngày 13/5: VN Index giữ vững đà tăng, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm tài chính và bán lẻ |
![]() |
Nhóm ngân hàng dẫn sóng, VN Index xác lập vùng giá cao mới sau kỳ nghỉ lễ. |
Diễn biến tích cực của thị trường đến từ sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là nhóm ngân hàng – vốn đóng vai trò động lực chính trong việc dẫn dắt chỉ số. Các mã như VCB, BID, VPB, TCB, LPB... đồng loạt tăng mạnh, góp phần đáng kể vào việc chinh phục mốc 1.300 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu VPB tăng trần, khớp lệnh kỷ lục gần 95,6 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường cả về giá và thanh khoản.
Độ rộng thị trường cũng nghiêng nhẹ về bên mua, với 189 mã tăng giá, trong khi chỉ có 122 mã giảm và 53 mã đứng giá, cho thấy sự lan tỏa tương đối tích cực của dòng tiền trên toàn sàn. Bên cạnh nhóm ngân hàng và trụ, nhiều cổ phiếu midcap cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, đặc biệt là các mã tăng trần như VNE, HAX, VPL, BCG, DRH, TCD..., góp phần thúc đẩy tâm lý hưng phấn chung của nhà đầu tư.
Một điểm sáng nổi bật không thể bỏ qua trong phiên là hoạt động của khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh phiên thứ hai liên tiếp, kết phiên với giá trị mua ròng lên tới hơn gần 2,3 nghìn tỷ đồng – mức cao nhất trong nhiều năm qua. Dòng tiền ngoại tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, VPB, MWG, HPG, PNJ, CTG, BID..., giúp củng cố vững chắc đà tăng của chỉ số. Ở chiều ngược lại, một số mã bị bán ra như MSN, VHM, VRE, VNM, VSC, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng chung của thị trường.
Tính từ sau kỳ nghỉ lễ, thị trường đã duy trì chuỗi hồi phục ấn tượng với thanh khoản được cải thiện đều qua từng phiên. Sự luân phiên điều tiết giữa nhóm cổ phiếu trụ và các nhóm ngành khác như bất động sản, midcap, bán lẻ, thép... giúp thị trường tăng điểm bền vững mà không tạo cảm giác quá "nóng".
Nhìn tổng thể, phiên giao dịch ngày 14/5 tiếp tục là bước xác nhận quan trọng cho xu hướng hồi phục trung hạn của thị trường. Sự đồng thuận từ dòng tiền trong nước và sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại đang tạo lực đỡ vững chắc cho chỉ số. Tuy nhiên, khi thị trường tiến sâu vào vùng 1.310–1.320 điểm – nơi từng là kháng cự mạnh trong quá khứ – nhà đầu tư cũng cần chú ý quản trị rủi ro, đặc biệt với các mã đã tăng nóng. Việc chốt lời từng phần hoặc cơ cấu danh mục để giữ vị thế hợp lý sẽ giúp tối ưu hiệu quả đầu tư trong bối cảnh thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng cũng có thể xuất hiện rung lắc bất ngờ.