Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh Châu Á 2024 – Smart City Asia 2024 là sự kiện có uy tín trong khu vực về phát triển đô thị, thành phố thông minh với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp cùng 800 gian hàng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Smart City Asia 2024 là cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề và giải pháp trong phát triển đô thị thông minh, phát triển bền vững.
Đồng thời, Smart City Asia 2024 cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về phát triển đô thị, thành phố thông minh, phát triển xanh, thân thiện với môi trường.
Smart City Asia 2024 được Bộ Thông tin & Truyền thông bảo trợ, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Hội Truyền Thông số Việt Nam (VDCA), Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) đồng tổ chức.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu của các đô thị, thành phố và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam không còn là vấn đề mới. Chủ trương, chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đã được đưa ra từ tháng 8/2018 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc cấu trúc lại hạ tầng Công nghệ thông tin & Truyền thông, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”.
Qua đó, Smart City Asia 2024 hướng đến mục tiêu tạo tiền đề thúc đẩy các quan hệ hợp tác công – tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh, tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số.
Phó Chủ tịch UBND Thành phó Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: “Là đầu tàu kinh tế, tài chính, công nghiệp của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai và phát triển các nền công nghiệp trọng điểm. Trong đó, tiếp tục phát triển đầu tư vườn ươm công nghệ, khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm Quang Trung. Do đó, Smart City Asia 2024 sẽ góp phần đưa ra những giải pháp xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trên cả nước, giải quyết các vấn đề về quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự”.
Tại Smart City Asia 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp gỡ giao thương sẽ được tiến hành song song giữa các hình thức trực tuyến và gặp gỡ lãnh đạo các thành phố, tham quan các khu đô thị thông minh kiểu mới của thành phố. Đồng thời, trong khuôn khổ Smart City Asia 2024 sẽ diễn ra diễn đàn với các chuyên đề chính như: Chiến lược đô thị thông minh với định hướng phát triển xanh và bền vững; các giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh; các ứng dụng AIoT trong đô thị thông minh theo định hướng phát triển xanh.
T.S Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) chia sẻ: “Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô từ giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị. Do vậy, các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch phát triển đô thị, thành phố”.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đón đầu xu hướng phát triển đô thị thông minh. Chính phủ xác định phát triển đô thị bền vững, thông minh là hướng đi có tính đột phá để nâng cao vị thế của Việt Nam. Do đó, trong những năm qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách để phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Từ nhiều góc tiếp cận, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như đặc thù của từng đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có một lộ trình thông minh hóa và phát triển đô thị bền vững, có sức chống chịu cao, gắn việc quản lý, quản trị với việc xây dựng hạ tầng dữ liệu để kết nối liên thông và khai thác hiệu quả.
Đạm Lê Quang