Sáng ngày 01/11 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.
• Ra mắt Mạng lưới Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu Khoa học
• Doanh nghiệp KH và CN: để trở thành hiện thực còn nhiều chông gai
Thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vừa là vấn đề cấp thiết nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, các nhà quản lý vừa là mục tiêu là động lực của Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cho biết: Thị trường KH và CN ở nước ta là bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, mặc dù đã bước đầu được hình thành và đạt được những kết quả nhất định, song vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc quan hệ tương tác, hợp tác giữa các chủ thể, nhất là viện, trường và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Do vậy, phát triển thị trường KH và CN mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trên cơ sở đó Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, để thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập cần phải thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới; làm thế nào để các viện, trường và doanh nghiệp hợp tác mạnh mẽ cùng nhau trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam về vấn đề này là gì.
Thứ hai, làm thế nào để lồng ghép một cách hài hoà mục tiêu kinh tế – xã hội và mục tiêu KH và CN trong các đề án phát triển nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước; vai trò của khoa học và công nghệ trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần được thể hiện như thế nào.
Thứ ba, để doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải làm gì và đáp ứng các yêu cầu như thế nào. Nhà nước cần điều chỉnh và ban hành các chính sách vĩ mô liên quan nào trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH và CN, việc đồng bộ chính sách còn nhiều điểm nghẽn; hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KH và CN đã được hình thành nhưng còn thiếu chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan; nguồn cung thị trường KH và CN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu các quốc gia đang phát triển trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp; chất lượng nguồn cung nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận với nguồn công nghệ có chất lượng; tổ chức trung gian của thị trường KH và CN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Từ góc độ viện, trường, ông Vũ Văn Tích – Trưởng Ban KH và CN, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đề xuất cơ chế thí điểm cho ĐHQGHN. PGS.TS Vũ Văn Tích mong muốn ĐHQGHN được thí điểm cơ chế đầu tư tài chính KH và CN theo 4 bước từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa hướng tới tự chủ hoạt động KH và CN của một số đơn vị thuộc ĐHQGHN; hình thành doanh nghiệp khởi nguồn; phát triển mô hình thí điểm về tổ chức trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình tổ chức hoạt động KH và CN và hoạt động đào tạo phát triển nhân lực KH và CN chất lượng cao trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp,… sự hợp tác giữa nhà trường doanh nghiệp có vai trò lớn để phát triển hoạt động KH và CN, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác.
Cung – cầu phải song hành
Chia sẻ những kinh nghiệm của quốc tế, ông Don Scott – Kemmis chuyên gia quốc tế cho biết, hầu hết các bằng sáng chế đều muốn được thương mại hoá, ngay cả các nước khác cũng vậy. Các trường đại học, viện nghiên cứu phải có khả năng đánh giá tiềm năng các sáng chế đó xem giá trị đem lại cho doanh nghiệp là gì. Mối quan hệ doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu phải hiểu nhau. Trường đại học cũng cần được tạo cơ chế tài chính để có ngân sách nghiên cứu. Chia sẻ các kinh nghiệm cho Việt Nam và đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt giữa chuyển giao công nghệ và chuyển giao trí thức, ông Don Scott – Kemmis cho rằng chuyển giao trí thức là kênh quan trọng lấy là sinh viên đại học là trọng tâm để lan toả kiến thức cho xã hội, nhiều doanh nghiệp muốn mời sinh viên khi ra trường tới làm việc. “Nếu trường đại học thương mại hoá tốt, cố gắng phát triển mối quan hệ nghiên cứu và doanh nghiệp, có nhiều sáng kiến, đổi mới là quan trọng trong thương mại hoá, thử cái mới xem có phù hợp không”. Ông Don Scott nhấn mạnh thêm.
Ông cũng chỉ ra rằng vai trò của chính quyền địa phương rất lớn, không chỉ cung cấp kiến thức mà muốn làm thành viên của cộng đồng tri thức. Việt Nam trong mối quan hệ với chuyển giao trí thức mới chỉ bắt đầu. Nếu các trường đại học mất cơ hội kết nối doanh nghiệp, mất cơ hội đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thì sẽ mất giá trị kinh tế xã hội.
Từ thực tế đó ông đưa ra các kiến nghị cho Việt Nam: sở hữu bằng sáng chế, định giá hay hoàn vốn cần giải quyết để hệ thống vận hành. Việc nghiên cứu cần động lực, động cơ hỗ trợ, uy tín mạng lưới trong nhà nghiên cứu. Cần có thời gian xây dựng các kênh, các mối quan hệ, chủ động có năng lực và cần hỗ trợ. Tài trợ cho ý tưởng, nghiên cứu phải ứng dụng, chứng minh ý tưởng giúp dự án đánh giá tính khả thi thương mại hoá. Quan trọng nhất là cung – cầu phải song hành, chính sách giáo dục nghiên cứu phải đồng bộ. Các chương trình được xây dựng chủ động hài hoà phối hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học. Cơ chế quy trình xây dựng chính sách có hội đồng, bộ giáo dục, khu vực thương mại, doanh nghiệp…phối hợp và đồng bộ với nhau.
Cần có thể chế hoạt động NCKH đặc thù cho viện, trường
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu ra bài học lớn nhất mà chúng ta cần làm lúc này để đạt được mục tiêu phải rõ ràng biến áp lực thành khát vọng, cách tiếp cận ý chí quốc gia, vươn lên đỉnh cao nhất; thúc đẩy hợp tác khoa học cần phải có môi trường cạnh tranh lành mạnh; thiết kế hệ thống thể chế tiêu chuẩn và định hướng tiêu chuẩn quốc gia. Hệ thống sở hữu về trí tuệ phải được thiết kế chuẩn mực, rõ ràng minh bạch; cần có hệ thống luật; có quyền tự chủ; sự hỗ trợ từ nhà nước; liên kết viện trường với doanh nghiệp. Cần có quỹ vận hành theo cơ chế thị trường, có tập đoàn lớn dẫn dắt tạo điều kiện, song hành cùng đổi mới sáng tạo thành một lực lượng đồng hành. Tổ chức lại các lực lượng phát triển giữa viện trường doanh nghiệp trong không gian thể chế của nhà nước.
Đứng ở góc độ viện, trường, ông Trần Đức Viên – Chủ tịch hội đồng Học viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng phải có cung – cầu, nhưng để đưa được giải pháp nghiên cứu ra thị trường vấn đề then chốt là chính sách, thể chế, nhân sự, đầu tư. Tự do nghiên cứu, phi hành chính hoá, quản lý tài chính hiệu quả,… là mục tiêu phải thực hiện. Ông Trần Đức Viên đề nghị giao quyền tự chủ, độc lập và tự chủ về mô hình quản trị, tự chủ tài chính, tự chủ đầu tư,… cho đơn vị nghiên cứu.
Ông cũng đề xuất nhà nươc cần có chiến lược nghiên cứu rất sâu, có chính sách phù hợp sẽ tạo sự đột phá cho hoạt động KH và CN. Bộ KH và CN nên thí điểm khoán sản phẩm cuối cùng, đặt hàng, giao nhiệm vụ và giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà phức tạp, trong đó đổi mới quy chế thể chế là nhiệm vụ số một. Trường, viện là tổ chức nghiên cứu trí tuệ nên cần có chính sách riêng biệt không nên áp dụng chung cùng một chính sách.
Đỗ Phương