Chuyển đổi kép nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam Chuyển đổi kép xanh và số: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Hà Nội |
Cần kết hợp nhiều bên
Phát biểu tại Hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xu hướng Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Toàn cảnh Hội thảo |
Liên quan đến quá trình Chuyển đổi kép của Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Việt Anh cho rằng, thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công Chuyển đổi kép.
Thứ hai, đích đến của Chuyển đổi kép đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Do vậy, quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Thứ ba, việc triển khai Chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, việc triển khai Chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Nhân đây, tôi kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình Chuyển đổi kép này.
Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.
Tạo động lực cho chuyển đổi kép
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, đi đầu trong chuyển đổi kép “xanh – số” là các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp đã vạch định rõ ràng đường đi và đạt được những kết quả nhất định.
Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam |
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam, cho biết: Câu chuyện Chuyển đổi kép với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam, cùng các tổ chức phát triển, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt (theo Báo cáo thực hành ESG của USAID, và Báo cáo ESG của KPMG). Còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hay khối kinh doanh như các Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới chuyển đổi kép.
Trong bối cảnh Việt Nam có tới 98% doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và vừa, 20% do phụ nữ làm chủ (theo Sách trắng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ), để phát triển bền vững không thể chỉ có doanh nghiệp lớn tiên phong, mà cần đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nhóm yếu thế làm chủ.
Yếu tố Xanh và Số thường được quan tâm và chia sẻ tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. UNDP cũng có các hoạt động hỗ trợ nhóm doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn, giảm thiếu rác thải nhựa. UNDP kêu gọi các bên cần quan tâm hơn tới khía cạnh tác động xã hội của các doanh nghiệp.
Theo ông Trường Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger, chia sẻ: Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), một bước quan trọng hướng tới thị trường điện cạnh tranh. Điều này cho phép các nhà sản xuất lựa chọn nhà cung cấp năng lượng xanh và đáp ứng nhu cầu bền vững toàn cầu ngày càng tăng. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI đang đón đầu xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa để nâng cao hiệu quả.
Chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. |
Các công ty FDI hàng đầu như Samsung là minh chứng cho quá trình chuyển đổi kép này, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi kỹ thuật số. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, định vị quốc gia này là điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới.
Chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ giảm thiểu tác động môi trường của quá trình công nghiệp hóa, đảm bảo tính bền vững lâu dài và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu. Đồng thời, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở ra các cơ hội thị trường mới.
Bằng cách tích hợp các ưu tiên kép này, Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ. Cách tiếp cận chiến lược này cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép xanh - kỹ thuật số, theo ông Trường Bùi, Việt Nam có thể: Khuyến khích đầu tư xanh: thực hiện các chính sách và ưu đãi khuyến khích FDI vào năng lượng tái tạo và công nghệ bền vững;
Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số: đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ, bao gồm Internet tốc độ cao, điện toán đám mây và an ninh mạng để hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số; Hợp lý hóa các khung pháp lý: đơn giản hóa và hài hòa các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ xanh và kỹ thuật số dễ dàng hơn;
Thúc đẩy PPP (Quan hệ đối tác công-tư): thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp địa phương và các tập đoàn đa quốc gia để thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức;
Tập trung vào phát triển kỹ năng: Đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để xây dựng lực lượng lao động lành nghề có khả năng hỗ trợ cả quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi kỹ thuật số.