Họ đều là những chàng trai học kỹ thuật, lớn lên từ những vùng quê. Họ đam mê kỹ thuật, yêu thích và muốn cống hiến một phần nhỏ cho đời. Đến thời điểm này, có thể nói họ đã bước đầu thành công trong học tập và công việc. Tiếp xúc với những chàng trai tuổi Thìn này, chúng tôi thấy rằng ở họ có một tình yêu mãnh liệt, đam mê với khát vọng phía trước.
Người tạo nên dự án khởi nghiệp tiêu biểu được vinh danh trên cả nước
Anh Phạm Hồng Sơn (1988) từng theo học tại ĐH Công đoàn chuyên ngành tài chính ngân hàng, hiện đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.
Bản thân anh sau khi ra trường đã làm việc 6 năm tại một ngân hàng với mức lương mơ ước nhưng muốn khám phá những điều mới mẻ, anh bất ngờ nghỉ việc để rẽ sang một lĩnh vực mới liên quan đến công nghệ thông tin phục vụ cho ngành nông nghiệp. Khao khát tạo ra một công nghệ Việt cho ngành chăn nuôi Việt tại Việt Nam, anh Phạm Hồng Sơn đã sáng lập dự án FAGO đã tập hợp một nhóm các bạn trẻ 8x, 9x có chung niềm trăn trở với nông dân và nông nghiệp, cùng khởi nghiệp với dự án FAGO 4.0. Anh Sơn quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu FAGO (có nghĩa là Nông dân bứt phá), là 1 trong số ít thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất thông qua các giai đoạn như: Sản xuất (hệ thống thiết bị dành cho trang trại), kho vận (hệ thống thiết bị định vị), bảo quản (Hệ thống thiết bị giám sát kho cấp đông mềm).
Và bước đi đầu tiên để người nông dân bứt phá bằng công nghệ chính là quản lý, giám sát được môi trường khí hậu trong chuồng nuôi và hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, bởi đây là hai trong bốn yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng suất, chất lượng trong chăn nuôi. Dự án FAGO được vinh danh là 1 trong số 10 dự án khởi nghiệp tiêu biểu trên cả nước được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn tham gia trưng bày tại Diễn đàn thanh niên niên khởi nghiệp Quốc gia.
Trong quá trình làm việc, các giải thưởng anh Phạm Hồng Sơn đã đạt được với thương hiệu FAGO gồm: Giải Ba Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, năm 2019; Là một trong 10 ứng dụng có giải pháp đột phá được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn triển lãm, năm 2020; Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Made in Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, năm 2021. Công ty Công ty Cổ phần Công nghệ phát triển Nông nghiệp Việt Nam vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ vào ngày 3/11/2023. Sau khi thành công với thương hiệu FAGO anh Phạm Hồng Sơn và các cộng sự lại tiếp tục cho ra mắt sản phẩm định vị lắp đặt cho xe ô tô. CEO trẻ cho biết, sẽ tiếp tục hiện thực hoá những ước mơ với khát vọng mang lại giá trị có ích cho cộng đồng.
Sinh viên ngành Tự động hóa xuất sắc trong nhiều năm liền
Đồng Văn Trung sinh năm 2000, quê Hải Dương. Sau khi học xong cấp 3 em đã lựa chọn con đường du học tại Trung Quốc, nhưng vì đại dịch Covid, lại là sinh viên quốc tế duy nhất theo học trong lớp nên em quyết định về nước và lựa chọn học chuyên ngành Tự động hóa tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Với Trung, tự động hóa là ngành rất thú vị mặc dù đây là một ngành học rất khó, đòi hỏi phải biết nhiều về lập trình và tư duy. Với ước mơ sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ có tay nghề giỏi trong tương lai, Trung chăm chỉ học tập, nghiên cứu cũng như trau dồi bản thân.
Ngoài việc tự học, Trung cũng thúc đẩy thành lập câu lạc bộ (CLB) Robot &Technology Clab với hơn 20 thành viên tham gia, tạo cơ hội được học tập, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Bản thân Trung cũng là một sinh viên rất năng nổ trong các hoạt động, ngoài việc học trên lớp, Trung cũng tham gia vào CLB, nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng, cùng nhóm đi tham dự các kỳ thi lớn nhỏ từ trường cho đến thành phố.
Dù CLB mới thành lập được thành lập nhưng Trung cùng các em đã gặt hái được một số kết quả đáng khen ngợi như: Giải Nhất cuộc thi Trí tuệ sinh viên do Canon tổ chức; Giải Nhất với chủ đề Máy hàn tự động do Hội sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức. Nhờ những nỗ lực đó mà em liên tục nhận được học bổng của nhà trường. Là sinh viên xuất sắc trong nhiều năm liền, Trung còn là Ủy viên Ban chấp hành Liên chi đoàn khoa. Để có được thành tích tốt, giữ vững phong độ như hiện nay đều là do sự cố gắng học hỏi không ngừng nghỉ, sắp xếp giữa việc học và hoạt động ngoại khóa của Trung.
Du học về nước tạo trang trại kiểu mẫu
Nguyễn Thế Tùng (1988) quê Bình Phước sau khi học xong thạc sĩ tại Anh, Tùng quyết định về quê làm nông, đã ứng dụng kiến thức quản trị kinh doanh vào xây dựng trang trại trồng sầu riêng tạo ra thế chủ động trong khoa học canh tác.
Trang trại rộng 55 ha đang trồng gần 10.000 cây sầu riêng Musang king và Ri6, xuống giống từ giữa năm 2020 và được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, vừa tiết kiệm công chăm sóc vừa tiết kiệm nguồn nước. Trang trại đang áp dụng theo tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng IS0 9001:2000. Với mục tiêu xuất khẩu sầu riêng vào những thị trường khó tính, anh Tùng đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác an toàn vệ sinh thực phẩm, khâu quản lý đầu vào – ra, đầu tư công nghệ tiên tiến và vấn đề an toàn lao động.
Trang trại đang tạo việc làm cho 17 nhân công với thu nhập ổn định từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Trang trại được quy hoạch mang tầm vĩ mô, chi phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng với gần 10.000 cây sầu riêng Musang king và Ri6. Hiện trang trại sầu riêng đã bước sang năm thứ 3 và đang phát triển xanh tốt.
Anh Tùng cho biết thêm, các biểu mẫu của nhân viên làm hằng ngày ghi chép tỉ mỉ quá trình canh tác, sau đó được chuyển đổi vào phần mềm, lưu trữ thành dữ liệu để truy xuất nguồn gốc, giúp tạo ra giá trị lợi thế cho doanh nghiệp lâu dài. Để trang trại đi đúng lộ trình kế hoạch, người chủ phải có những hoạch định rõ ràng, nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của từng loại cây cũng như am hiểu kỹ thuật để quản lý, nhắc nhở nhân công trong quá trình canh tác.
Đặc biệt, ngoài kiểm tra vườn thường xuyên thì thông qua hệ thống camera giám sát theo dõi cây và có biện pháp phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Ngoài tham gia hỗ trợ việc làm, làm được trang trại kiểu mẫu phát triển kinh tế cho quê hương, Tùng còn là người đam mê thể thao, đến nay Tùng đã có gần 20 huy chương thi đấu GYM.
Hương Duyên – Đỗ Phương