Mới đây, Trung Quốc đã khởi công dự án xây dựng nhà máy thủy điện có công suất 2,8 GW tại tỉnh Thanh Hải. Dự án này không chỉ mang lại sự gia tăng đáng kể trong sản xuất điện, mà còn là bước đột phá quan trọng trong việc nâng cao sản xuất điện tái tạo của Trung Quốc, đóng góp tích cực vào mục tiêu không thải carbon của đất nước này.
Nhà máy thủy điện Thanh Hải đã bắt đầu thi công vào ngày 6/8. Dự án được xây dựng với mục tiêu tăng cường sản xuất điện tái tạo tại các vùng sa mạc Gobi và cao nguyên Tây Tạng, được thiết kế với công nghệ pin nước, trong đó hai hồ chứa nước đóng vai trò như bộ pin khổng lồ. Quá trình sản xuất điện được điều chỉnh thông qua việc xả nước từ hồ cao hơn để đáp ứng nhu cầu tăng cao và bơm nước trở lại bằng nguồn tái tạo khi nhu cầu giảm.
Mục tiêu lưu trữ Năng lượng và không thải Carbon của Trung Quốc
Nhà máy Warang station sẽ có công suất lưu trữ 20 triệu kilowatt giờ và kết nối với lưới điện Thanh Hải qua đường truyền tải 750 kilovolt, theo Cục năng lượng quốc gia (NEA). Sau khi nhà máy Warang hoạt động, mức lưu trữ mà cơ sở cung cấp sẽ giúp giảm 5 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm và cải thiện truyền năng lượng từ các nhà máy điện gió và điện mặt trời ở xung quanh. Nhà máy Warang được xây kết hợp với 3 dự án khác, nhằm giúp 650.000 người có điện sử dụng.
Dự án nhà máy thủy điện Thanh Hải phản ánh sự cam kết của Trung Quốc trong việc đạt mục tiêu không thải carbon. Với kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đầy tham vọng, Trung Quốc hướng tới công suất lắp đặt thủy điện tích năng là 62 GW vào năm 2025 và 120 GW vào năm 2030.
Thanh Nga