Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… với những khác biệt, hấp dẫn riêng. Tỉnh có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm: sử thi của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M'nông (huyện Lắk); Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar); Mo Mường ở Đắk Lắk); có khoảng 2.307 bộ chiêng, 3.855 nghệ nhân, trên 100 loại nhạc cụ khác nhau...
Lễ hội cổ truyền của dân tộc Thái ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột hằng năm thu hút rất đông du khách đến tham gia. Ảnh: Nguyễn Gia |
Đặc biệt, nhiều lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ, nét đẹp trong trang phục truyền thống… của các dân tộc còn lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay. Tất cả làm nên một di sản văn hóa vô giá truyền lại cho thế hệ mai sau. Trong đó, đáng chú ý, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức là một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc thù, có sức thu hút lớn đối với du khách. Có thể kể đến như: Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Êđê, Thái; lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng (huyện Cư M’gar); lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (huyện Krông Năng)…
Trong đó, huyện Cư M’gar được coi là không gian lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS. Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 14 nghi lễ, lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức với quy mô cấp xã, cấp huyện.
Trong số đó, nhiều lễ hội được tổ chức thường niên đã góp phần giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị tích cực của lễ hội cũng như giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của con người trên vùng đất này.
Vào những dịp tổ chức, lễ hội thu hút sự quan tâm của du khách gần xa đến với Cư M'gar. Các lễ hội này được tổ chức bước đầu đã gắn kết phát triển du lịch tại địa phương.
Du khách tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực của đồng bào Êđê tại xã Ea Tul (huyện Cư M'gar). |
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), toàn tỉnh có 74 lễ hội (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), bao gồm 6 lễ hội văn hóa, 41 lễ hội dân gian, 21 lễ hội truyền thống, 3 lễ hội cổ truyền, 1 lễ hội ngành nghề và 2 lễ hội du nhập nước ngoài.
Giữa không gian văn hóa Tây Nguyên với nhiều giá trị đặc trưng đó, “bức tranh” du lịch cũng hiển lộ với nhiều màu sắc. Ngoài tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thì Đắk Lắk còn là "mảnh đất màu mỡ" để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội… Những giá trị này nếu được phát huy sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, cùng với sự ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn được xác định là nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Trước hết là khai thác lợi thế có sẵn để phát triển du lịch cộng đồng.
Ở góc độ khách tham quan, nhiều du khách đến với Đắk Lắk cho rằng, địa phương có nhiều điểm đến ngay trong lòng phố như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, đường Phan Đình Giót, buôn Akô Dhông, thậm chí các nhà hàng, khách sạn… đều cho du khách cơ hội được bắt gặp, thưởng thức những cảnh quan, chương trình văn nghệ mang đậm chất Tây Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, du khách đến từ quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Đắk Lắk không chỉ thu hút tôi bởi khí hậu, cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn rất ấn tượng về miền đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở đây cho du khách dễ dàng bắt gặp trong từng nếp nhà dài, quán cà phê, món ăn…".
Người dân và du khách thích thú tham gia trò chơi dân gian nhảy sạp tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, năm 2023. Ảnh: Nguyễn Gia |
Tại Đắk Lắk, những năm gần đây du lịch cộng đồng đang được chính quyền địa phương quan tâm, định hướng phát triển với quy mô và cách làm hướng đến sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để những giá trị văn hóa này hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, thiết nghĩ cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản từ khâu tổ chức đến cách thức quảng bá văn hóa, lễ hội. Trước hết cần tạo “sức hút” cho các hoạt động quảng bá bằng cách chọn lọc một số lễ hội, sản phẩm văn hóa đặc sắc, ấn tượng để xây dựng, quảng bá thành sản phẩm du lịch.
Đối với hoạt động quản lý lễ hội gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cần xây dựng kịch bản, nội dung phù hợp để phục dựng, biểu diễn trong các lễ hội giúp hoạt động này vừa mang tính truyền thống, vừa bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, phục vụ du khách. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, giao thông thuận lợi đi đến các điểm, địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội; tạo sản phẩm dịch vụ đi kèm… Có như thế mới phát huy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.