Mục tiêu của đặt hàng lần này là hỗ trợ, tăng cường kết nối cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực Điều khiển, Tự động hóa.
• Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về Điều khiển và Tự động hóa
• Diễn đàn doanh nghiệp tại VCCA 2024 hướng đến phát triển kinh tế xanh
• VCCA 2024 đã sẵn sàng cho những báo cáo, thảo luận về phát triển Kinh tế xanh
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA 2024), Bộ trưởng Bộ KH và CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều Chương trình KH và CN cấp quốc gia như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030, các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh, cơ khí và tự động hóa, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0, vũ trụ,…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế lần thứ 7 |
Nhân dịp này Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đặt hàng Hội Tự động hóa ba vấn đề gồm:
Một là, với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết trí thức KH&CN trong và ngoài nước, đề nghị Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng “tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, blockchain, lĩnh vực robot, UAV; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, trang thiết bị y tế, thành phố thông minh và dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Hai là, phối hợp cùng với Bộ KH&CN để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia. Đặc biệt, Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”, mã số: KC.01/21-30; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa”, mã số: KC.03/21-30; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa; thành phố thông minh, giao thông thông minh; phát triển công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực tự động hóa.
Ba là, Bộ KH&CN rất mong nhận được các ý kiến góp ý từ Hội Tự động hóa Việt Nam đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật về KH, CN&ĐMST. Với kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, mạng lưới liên kết rộng khắp với các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về lĩnh vực điều khiển và tự động hóa, Bộ KH&CN tin rằng, những góp ý của Hội sẽ cung cấp nhiều luận cứ sắc bén cho quá trình xây dựng chính sách ngày càng sát thực tiễn hơn giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về KH&CN ngày càng hiệu quả.
Trước đó tại VCCA 2021 diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ KH và CN Huỳnh Thành Đạt cũng đã đặt hàng cho Hội Tự động hóa liên quan 2 nội dung gồm: Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực Điều khiển, Tự động hóa; Hội Tự động hóa Việt Nam phối hợp cùng với Bộ KH và CN để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình KH và CN cấp quốc gia.
Sau 2 năm đặt hàng của Bộ KH và CN, Hội Tự động hoá Việt Nam đã có nhiều lần tham gia, giao lưu, trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước như: Đại diện lãnh đạo VAA cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao thương Triển lãm TMTS 2024; Triển lãm khuôn mẫu và công cụ Đông Quan (Trung Quốc); Thông qua đại diện của Hội Tự động hóa Việt Nam tại Liên bang Nga, VAA đã có thỏa thuận hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa Hội Tự động hóa Việt Nam với Hiệp hội Thương mại Liên bang Nga – Việt Nam, giữa Hội Hữu nghị Nga – Việt với Hiệp hội Thương mại Nga – Việt Nam đã được ký kết, nhiều lần tổ chức các phiên kết nối công nghệ giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông của Liên bang Nga. Hay Ngày hội Tự động hóa Tp.Hồ Chí Minh là chương trình thường niên do chi hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức để kết nối, tăng cường chuyển giao công nghệ,…
Về vấn đề đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, những năm qua VAA đã cùng với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, các hội thành viên của Hội Tự động hóa triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là Hội nghị khoa học về Điều khiển và Tự động hóa, nơi luôn tập trung hơn 140 báo cáo khoa học thường kỳ tiếp tục được tổ chức, là dịp để các nhà khoa hoc và doanh nghiệp trao đổi, thúc đẩy các kết quả nghiên cứu chuyên ngành.
Duyên Nguyễn