Khảo cổ học mang đến cái nhìn thoáng qua về quá khứ, khám phá nguồn gốc của nhân loại. |
Năm 2024 là một năm ghi dấu nhiều phát hiện khảo cổ học phi thường, thách thức các quan niệm lâu đời về lịch sử loài người.
Từ những vùng đất cổ đại của châu Âu đến bờ biển Địa Trung Hải, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều hiện vật và công trình kiến trúc đẩy xa ranh giới hiểu biết của chúng ta về quá khứ. Dưới đây là 7 phát hiện khảo cổ học nổi bật nhất năm 2024 mà bạn không nên bỏ qua được đăng tải trên Interesting Engineering:
1. Thành phố cổ nhất thế giới không phải ở Lưỡng Hà
Các đại công trình Trypillia, được xem là những thành phố có quy hoạch đầu tiên trong lịch sử, không giống với các đô thị hiện đại. Ảnh: Wikimedia Commons/Susanne Beyer |
Một trong những khám phá quan trọng nhất năm nay là phát hiện về một trung tâm đô thị 6.000 năm tuổi tại Ukraine, có thể là thành phố cổ nhất từng được biết đến. Phát hiện này thách thức câu chuyện truyền thống về sự phát triển đô thị, gợi ý rằng cái nôi của nền văn minh có thể không chỉ tập trung ở Lưỡng Hà hay Trung Á. Bằng kỹ thuật khảo sát địa từ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những công trình lớn chôn vùi dưới lòng đất. Những cấu trúc này thuộc về nền văn hóa Trypillia cổ đại, trải rộng trên diện tích hơn 100 hecta.
2. Cây cầu 5.600 năm tuổi do con người xây dựng, chìm trong hang động
Ảnh minh họa. iStock |
Các chuyên gia đã rất kinh ngạc trước phát hiện về một cây cầu bằng đá 5.600 năm tuổi ẩn sâu trong một hang động cổ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Florida đã công bố khám phá này vào tháng 8. Cây cầu dài 7,6 mét được phát hiện trong hang Genovesa trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha. Phát hiện này cung cấp bằng chứng về sự hiện diện sớm của con người trên đảo Mallorca. Điều thú vị là cây cầu này được xây dựng mà không cần sử dụng vữa hoặc xi măng. Nó rất có thể được dựng lên để băng qua một hồ nước ngầm. Cầu được làm từ các khối đá vôi lớn, một số khối dài tới 1,63 m, dẫn đến khoang khô duy nhất trong hang, giúp các nhà nghiên cứu định tuổi chính xác của công trình.
3. Thông điệp 200 năm tuổi trong chai được phát hiện trong một cuộc khai quật cứu hộ
Lá thư 200 năm tuổi được tìm thấy bên trong một chiếc chai. Ảnh: FB/EU |
Hãy tưởng tượng bạn tình cờ tìm thấy một "viên nang thời gian" chôn sâu dưới lòng đất nước Pháp. Đó chính là điều đã xảy ra với một nhóm tình nguyện viên may mắn. Họ đã khai quật được một chiếc chai thủy tinh nhỏ chứa thông điệp 200 năm tuổi từ một nhà khảo cổ học tên P.J. Fére. Đó như một lá thư từ quá khứ, một tấm bưu thiếp lịch sử từ năm 1825. Nhóm tình nguyện viên do nhà khảo cổ Guillaume Blondel dẫn đầu đã tìm thấy chiếc chai này trong một cuộc khai quật tại địa điểm Camp de César gần bãi biển Puys ở Dieppe, miền Bắc nước Pháp.
4. Địa điểm nhà dài 6.000 năm tuổi với vô số hiện vật được phát hiện
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các hố chứa mảnh gốm vỡ, công cụ bằng đá và xương động vật. Ảnh: M. Bajka |
Một nhóm khảo cổ đã khai quật được một địa điểm nhà dài 6.000 năm tuổi chứa vô số hiện vật ở Ba Lan. Ban đầu, họ dự kiến sẽ tìm thấy dấu vết của văn hóa Funnelbeaker – những nông dân đầu tiên ở Scandinavia. Nhưng thay vào đó, họ đã khám phá ra hai nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới khác biệt. Một cuộc khai quật may mắn đúng nghĩa. Vào đầu tháng 10 năm 2024, các nhà khảo cổ bắt đầu đào bới tại một công trường xây dựng ở Sandomierz-Mokoszyn.
5. Hũ tiền vàng chôn bởi lính cách đây 2.400 năm được phát hiện
Những đồng vàng daric, khắc họa hình một vị vua Ba Tư đang quỳ, chủ yếu được dùng để trả công cho các lính đánh thuê. Ảnh: Dự án Khảo cổ Notion, Đại học Michigan |
Trong một phát hiện gây chấn động, một hũ tiền vàng đã được khai quật tại thành phố ven biển cổ đại Notion ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm khảo cổ học đã tìm thấy hũ vàng này khi đang khai quật một ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ thứ 3. Chiếc hũ chứa đầy những đồng tiền vàng có tuổi đời lên tới 2.400 năm được chôn giấu bởi một người lính trong sân nhà. Phát hiện này mang đến thông tin độc đáo và giá trị về cuộc sống tại Thổ Nhĩ Kỳ 2.400 năm trước, trong thời kỳ có nhiều biến động chính trị. Những đồng vàng daric, khắc hình vua Ba Tư đang quỳ, chủ yếu được dùng để trả công cho các binh lính đánh thuê.
6. Tượng bán thân bằng đá cẩm thạch có thể khắc họa “gương mặt thật” của Cleopatra được khai quật ở Ai Cập
Bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch được cho là khắc họa Cleopatra VII. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập |
Một nhóm khảo cổ học đã tìm thấy bức chân dung đời thực của Cleopatra VII, nữ hoàng huyền thoại của Ai Cập. Họ đã khai quật được một bức tượng đá cẩm thạch tuyệt đẹp của một người phụ nữ đội vương miện hoàng gia và họ tin rằng đây có thể chính là gương mặt thật của Cleopatra. Phát hiện này diễn ra tại đền Taposiris Magna, nằm ở phía tây Alexandria. Bức tượng với chiếc vương miện hoàng gia gợi ý rằng Taposiris Magna, nghĩa là “lăng mộ lớn của Osiris,” có thể là nơi yên nghỉ cuối cùng của Cleopatra VII.
7. Hệ thống cống ngầm 2.000 năm tuổi của La Mã cùng bức tượng thần Hy Lạp
Do các đặc điểm của bức tượng, các nhà khảo cổ tin rằng đây là một bản sao La Mã của tượng thần Hermes Hy Lạp. Ảnh: Vazquez/X |
Một phát hiện khảo cổ đáng chú ý khác được thực hiện tại Heraclea Sintica, một thành phố ở Bulgaria. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ bất ngờ tìm thấy một bức tượng thần Hermes, vị thần đưa tin của Hy Lạp, được bảo quản gần như hoàn hảo. Các nhà khảo cổ cho rằng bức tượng đã bị vứt bỏ vào một hệ thống cống ngầm trong giai đoạn Đế chế La Mã chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo. Chính việc chôn vùi tình cờ trong lòng đất đã giúp bảo quản bức tượng, biến nó thành một trong những bức tượng cổ được bảo quản tốt nhất từng được tìm thấy ở Bulgaria.
Hồng Minh (Theo interestingengineering)