Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tự động hóa là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Trong nhiều năm nay, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá đang thành ngành thu hút nhiều người học, nhiều trường chú trọng đào tạo.
Khi nhu cầu nhân lực tự động hóa tăng cao
Theo nhận định của các chuyên gia ngành học này luôn có thu nhập cao và tương lai nghề nghiệp vô cùng mở rộng. Sinh viên theo học chuyên ngành tự động hoá thường xuyên được các nhà tuyển dụng mời làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Trên cả nước hiện đã có hơn 50 trường đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Robot. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vài năm trở lại đây, bên cạnh ngành Tự động hóa đã có thêm các trường mở thêm ngành học mới phục vụ cho ứng dụng tự động hóa như: trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở ngành Sản xuất thông minh (năm 2023); trường Đại học Giao thông Vận tải mở ngành Kỹ thuật robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2022); trường Đại học Kinh tế TPHCM ngành – Robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2023).
Nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật điều khiển tự động hoá hiện nay rất lớn, cũng là ngành dễ tuyển sinh của các trường trong những năm qua. TS. Phạm Việt Phương – Trưởng khoa Tự động hoá – trường Điện – Điện tử – Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra các yếu tố khiến ngành này có sức hút: Sự thành công của đội ngũ cựu sinh viên trong lĩnh vực tự động hoá đã góp phần nâng cao hiểu biết của học sinh và phụ huynh về lĩnh vực rõ ràng hơn. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều nhà máy đang trong xu thế chuyển đổi số, hiện đại hoá, đây chính là cơ hội cho ngành học tự động hoá.
TS. Phạm Việt Phương chia sẻ: hàng năm trường Điện – Điện tử – Đại học Bách khoa tuyển sinh khoảng 650 sinh viên, tỷ lệ nhập học đạt 100 đến 105%. Theo thống kê tốt nghiệp khoá học gần nhất, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong 6 tháng, đạt 97.3%. Đây là điều rất tự hào của không chỉ ngành Tự động hoá mà của trường Điện – Điên tử.
PGS.TS. Khổng Cao Phong – Trưởng khoa Cơ Điện, Trưởng Bộ môn Tự động hóa – trường Đại học Mỏ – Địa chất cũng cho biết: Chu trình phát triển của nền công nghiệp đi từ cơ khí, cơ giới hoá, tự động hoá, IoT và Trí tuệ nhân tạo. Mức phát triển mạnh mẽ nhất của Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn công nghiệp tự động hoá. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu cạnh tranh năng suất, chất lượng, đi kèm với đó là nhiều thiết bị công nghệ đã có giá thành thấp hơn trước đây nên nhiều nhà máy đẩy mạnh ứng dụng thiết bị dây chuyền tự động hóa vào sản xuất khiến cho nhu cầu nhân lực tự động hoá là rất lớn. Hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ngay, đặc biệt ngành Mỏ bắt đầu bước qua cơ giới hoá và chuyển sang giai đoạn tin học hoá và tự động hoá, nhu cầu về cán bộ tự động hoá rất lớn.
Yếu tố cần của sinh viên khi theo đuổi chuyên ngành
Tự động hoá là ngành kỹ thuật, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về truyền thông công nghiệp, tự động hóa sản xuất, thiết kế, chế tạo và điều khiển robot hay điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động,… Đặc thù của ngành Tự động hóa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, sinh viên ra trường không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn cần thành thạo kỹ năng thực hành và các kỹ năng mềm khác. Ví dụ khi thiết kế xong 1 mạch điện hay tủ bảng điện, cái quan trọng nhất là khả năng đóng điện thành công hay không đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu sinh viên phải có tư duy thiết kế mạch lạc rõ ràng và tố chất tỉ mỉ, cẩn thận chu toàn, cân nhắc suy xét, chịu khó tìm tòi, có tư duy logic, chủ động trong công việc,…
Học sinh phải yêu thích về vật lý và toán, có khả năng học môn đó tốt, yêu thích tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật máy móc và các giải pháp điều khiển trong tự động hoá. Tuy nhiên, cũng theo TS. Phạm Việt Phương: yêu thích, giỏi toán, vật lý không phải hoàn toàn đáp ứng được, học sinh cần phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh của các trường, phải được tư vấn định hướng từ khi ngồi trên ghế nhà trường để hiểu rõ về ngành học, các vị trí việc làm, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, mức lương trung bình.
TS. Phạm Việt Phương nhấn mạnh cái quan trọng nhất phải thực sự yêu thích, nếu không yêu thích không mong muốn vào học năm thứ nhất đến năm thứ hai khi tiếp cận các môn chuyên ngành các em sẽ học trong tâm thế không yêu thích, học cầm chừng, chểnh mảng, thi lại, chuyển ngành học hay thậm chí là bỏ học.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Khổng Cao Phong cho hay: sinh viên theo ngành học này đầu tiên phải ham mê, yêu thích, mày mò với kỹ thuật. Thường tân sinh viên sẽ được học “Nhập môn kỹ thuật” giới thiệu cho sinh viên biết về ngành nghề của mình, đi tham quan các mô hình, tìm hiểu xu hướng ngành để biết có hợp với mình không.
Minh chứng cho ví dụ thực tế tại nhà trường, PGS.TS Khổng Cao Phong chia sẻ, tại trường Đại học Mỏ – Địa chất có những bạn sinh viên ở vùng miền núi, khả năng nắm bắt thông tin thấp, khi đỗ và theo học các bạn mới hình dung được việc học và ngành học dẫn đến hay có xu hướng thay đổi. Vì vậy, PGS.TS. Khổng Cao Phong cũng nhấn mạnh đến việc các em phải nắm bắt được thông tin cụ thể về ngành học để đảm bảo được đúng định hướng mình theo đuổi.
Để đáp ứng yêu cầu về đào tạo
Chia sẻ về chương trình đào tạo tại trường Đại học Mỏ- Địa chất, PGS.TS. Khổng Cao Phong nói: Việc xây dựng các chương trình học phải hướng đến đào tạo kiến thức nền, kiến thức gốc vì công nghệ không ngừng thay đổi và phát triển, hôm nay có thể là kỹ thuật này nhưng ngày mai nó đã có thể trở nên cũ kỹ và bị công nghệ mới thay thế. Do đó, nhà trường tập trung đào tạo cho sinh viên có được kiến thức nền tốt, từ đó sinh viên phải thường xuyên chủ động trau dồi học hỏi, tìm tòi kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Lý giải thêm về kiến thức nền là quan trọng, PGS.TS. Khổng Cao Phong giải thích, tất cả các kiến thức chúng ta đều có thể lên mạng Internet là có ngay, nhưng kiến thức nền, kiến thức gốc mới có thể giải thích, lý giải sâu hơn mọi vấn đề.
Hiện nay nhu cầu đào tạo về tự động hoá rộng, ở nhiều mức độ về chuyên môn vì vậy, chương trình đào tạo mỗi trường là khác nhau, có sự phân cấp, phân hạng giữa các nhu cầu,… PGS.TS. Khổng Cao Phong minh chứng: có những ứng dụng không đòi hỏi cao về chuyên môn nhưng lại rất nhiều trong thực tế như: tự động hoá mạch logic, xe vào Barie đóng mở tự động, điều khiển logic, bật tắt đèn khởi động động cơ,…. Ở trường hợp khác tự động hoá yêu cầu cao, đòi hỏi ở mức độ chuyên sâu. Vì vậy các trường đào tạo tự động hoá ở mức nào cũng sẽ có thị trường. Mỗi trường sẽ tự phân mức cho đầu ra của mình để phân cấp ra thị trường.
Cùng quan điểm trên, TS. Phạm Việt Phương chia sẻ, với sự bùng nổ công nghệ như hiện nay, ngành học tự động hoá phát triển mạnh, vì vậy nhu cầu đào tạo của các trường khác nhau. Mỗi trường đại học sẽ có một định hướng ứng dụng, phân khúc sinh viên và ngành học khác nhau.
Tham khảo danh sách hơn 50 trường đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá
Sinh viên ngành Tự động hóa sau ra trường có thể đảm nhận những vị trí công việc như: Kỹ sư thiết kế hệ thống tự động hóa cho các nhà máy, xí nghiệp, công ty, tổ chức và tham gia thi công; Kỹ sư vận hành và bảo trì hệ thống điện, điện tử, tự động; Kỹ sư vận hành bảo dưỡng thiết bị và hệ thống tự động; Chuyên viên phân tích nhu cầu hệ thống điện, tự động hóa của các công ty – nhà máy; Chuyên viên lập trình ứng dụng các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, bộ điều khiển về lập trình…; Chuyên viên tư vấn các giải pháp trong lĩnh vực tự động, huấn luyện nhân viên vận hành hệ thống tự động; Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo có ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…