Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã:ABB), các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh đã kéo lợi nhuận tại ABBank trong quý III lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh chính của ABBank trong quý III đem về gần 738 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm nghiêm trọng như: Lãi từ dịch vụ giảm 57% còn hơn 82 tỷ đồng, trong khi các hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 46,4 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 4 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư cũng báo lỗ 60 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có hoạt động khác lãi hơn 26 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ.
Hơn nữa, chi phí hoạt động không được tiết giảm, tăng nhẹ lên mức 560 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 31%, xuống còn 182 tỷ đồng.
Quý III/2024, ABBank tăng trích lập dự phòng rủi ro cao gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 526 tỷ đồng, dẫn đến ngân hàng lỗ sau thuế hơn 284,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 lãi hơn 23 tỷ đồng.
Mặc dù trích lập dự phòng rủi ro sẽ kéo tụt lợi nhuận của ngân hàng, nhưng đây là giải pháp quan trọng để ngân hàng tăng trưởng bền vững trong tương lai. Các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập khi ngân hàng thu hồi được nợ và chuyển thành lợi nhuận cho nhà băng.
Nhờ kết quả khá tích cực trong 2 quý đầu năm 2024 đã phần nào giúp ABBank thoát lỗ trong 9 tháng đầu năm, mang về hơn 238,7 tỷ đồng lãi trước thuế và hơn 180 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 68% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ABBank còn cách khá xa khi mới thực hiện được 24% sau 3 quý. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 11,02%.
Về dòng tiền, quý III/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại ABBank sụt giảm còn 482 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 đạt hơn 14.526 tỷ đồng do dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 96% còn hơn 577 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, các khoản lãi và phí phải thu (hay gọi là lãi dự thu) tính đến 30/9/2024 tăng tới 39% so với đầu năm, lên tới 2.029 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản ABBank ở mức 164.194 tỷ đồng, tăng 1,3% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 98.768 tỷ đồng, tăng 0,7%; trong khi tiền gửi khách hàng giảm 9% so với đầu năm, đạt 91.090 tỷ đồng.
Riêng trong quý III, số lượng giao dịch qua ngân hàng số của khách hàng tại ABBank có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Với khách hàng cá nhân tăng 47% so với quý II và tăng 82% so với cùng kỳ 2023; với khách hàng doanh nghiệp tăng ấn tượng 248% so với quý II và tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chất lượng tín dụng có dấu hiệu đi xuống, khi nợ xấu tại ABBank tính đến 30/9/2024 tăng 11% so với đầu năm, lên 3.158 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm lần lượt 25%, 12% so với đầu năm thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 60%, lên mức gần 1.653 tỷ đồng, chiếm tới 52% tổng nợ xấu của ngân hàng.
Ngoài ra, đến thời điểm cuối tháng 9/2024, ABBank có ghi nhận khoản "nghĩa vụ nợ tiềm ẩn" hơn 6.456 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với thời điểm đầu năm.
Chi tiết các nợ xấu tại ABBank. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024). |
Ở một diễn biến có liên quan, nhằm tiếp sức cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, trong tháng 9 vừa qua, ABBank đã công bố áp dụng giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5%/năm cho các khách hàng cá nhân có khoản vay sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng và giảm lãi suất tối đa 1%/năm cho khách hàng SMEs hiện hữu.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ khách hàng khắc phục sau thiên tai, nhiều chương trình hỗ trợ về lãi suất phát triển sản xuất kinh doanh tiếp tục được ABBank triển khai xuyên suốt từ đầu năm 2024, như: chương trình "Kết nối nhu cầu – Mở rộng giải pháp" dành cho khách hàng SME với tổng hạn mức lên đến 8.000 tỷ đồng, lãi suất đặc biệt ưu đãi từ 5%/năm; hay chương trình “Vay vốn dễ dàng - Kinh doanh như ý” dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất chỉ từ 4,99%/năm cùng nhiều gói giải pháp tiện ích khác.