![]() |
Các chuyên gia đào tạo, đại biểu khách mời tham gia thảo luận để cùng đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ của sinh viên khối kỹ thuật là hết sức cần thiết. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Ngoại ngữ là năng lực cốt lõi sinh viên kỹ thuật cần trang bị
Để nâng cao hơn nữa năng lực cảm thụ, tiếp thu ngoại ngữ, trước thềm năm học mới, Đại học Bách khoa Hà Nội và Khoa Ngoại ngữ - HUST đã tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên khối kỹ thuật”.
Buổi tọa đàm là dịp để những người làm nghề, các thế hệ sinh viên cùng nhìn lại thực trạng học tiếng Anh của sinh viên khối kỹ thuật, lắng nghe những chia sẻ từ doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên và chính các bạn sinh viên khối kỹ thuật - những người đang trực tiếp trải nghiệm quá trình học tập. Từ đó, cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi và phù hợp với đặc thù đào tạo kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập tiếng Anh trong nhà trường.
Phát biểu tại tọa đàm, GS. Vũ Văn Yêm, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) cho biết, tại HUST, tiếng Anh được xác định là một trong những năng lực cốt lõi mà sinh viên cần trang bị để có thể tiếp cận trí thức toàn cầu, tham gia vào các dự án quốc tế, và cạnh tranh trên thị trường lao động chất lượng cao.
Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, sinh viên các khối kỹ thuật của các trường đại học, cao đẳng nói chung và HUST nói riêng, phần lớn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Chính vì vậy, việc thảo luận để cùng đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ của sinh viên khối kỹ thuật là hết sức cần thiết.
Theo ThS. Vũ Lan Hương - Trưởng nhóm chuyên môn "Tiếng Anh nâng cao cho sinh viên khối kỹ thuật", khảo sát các nhóm sinh viên khối kỹ thuật tại HUST cho thấy, sinh viên HUST về cơ bản đều nhận thức được tiếng Anh rất cần thiết cho nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng, do đặc thù của các ngành kỹ thuật, với lịch học dày đặc và thời gian nghiên cứu nhiều, sinh viên khối kỹ thuật dành thời gian rất ít cho việc nâng cao và phát triển ngoại ngữ. Từ đó, dẫn tới khả năng ngoại ngữ của các em chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài. Không ít sinh viên khối kỹ thuật thiếu kỹ năng giao tiếp và ngại giao tiếp.
Về vấn đề này, ThS. Đỗ Thị Hoa - Phó trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn tiếng Anh, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, cần có chiến lược rõ ràng để nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên. Cụ thể, nhà trường có thể sử dụng giáo trình quốc tế như National Geographic Learning, hoặc tác cùng các tổ chức uy tín như IIG, EV của ILE, đồng thời khai thác nguồn lực từ Đại sứ quán Hoa Kỳ,… Các giải pháp này giúp sinh viên có môi trường cụ thể để học tập, trau dồi kỹ năng giao tiếp, thúc đẩy niềm đam mê ngoại ngữ của sinh viên.
Với vai trò đại diện doanh nghiệp nước ngoài, bà Trần Thúy Nga, Trưởng phòng Marketting, Công ty Cổ phần Techvina cho biết, hiện tại, có nhiều tập đoàn lớn và công ty công nghệ tại Việt Nam đặt ra yêu cầu cao về khả năng giao tiếp tiếng Anh đối với nhân sự. Thế nhưng, chính đội ngũ kỹ sư, lực lượng được kỳ vọng dẫn dắt nền kinh tế số lại đang bị bỏ lại phía sau do hạn chế về ngoại ngữ.
Tại Techvina, có rất nhiều bộ phận bắt buộc người lao động phải thông thạo tiếng Anh, ví dụ bộ phận nghiên cứu phát triển, marketting, đối ngoại,… những bộ phận này cần nhân lực có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt kết nối với khách hàng, đối tác, mở rộng thị trường.
Để tạo môi trường nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên kỹ thuật, bà Nga cho rằng, nhà trường cần kết hợp với các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục đào tạo ngôn ngữ Anh trong nước và nước ngoài xây dựng các hội thảo chuyên đề, chia sẻ về tiếng Anh, đồng thời “thương mại hóa” các chuyên ngành quốc tế, đưa sinh viên khối kỹ thuật đến tham quan các doanh nghiệp liên doanh, những tập đoàn nước ngoài đang sử dụng nhân lực giỏi ngoại ngữ. Những giải pháp này giúp sinh viên có môi trường thực tế để rèn giũa các kỹ năng nghe nói tiếng Anh, nâng cao năng lực tự thân cho sinh viên.
![]() |
Sinh viên Nguyễn Đào Anh Phong, lớp 02 - K68 Ngành Quản trị Kinh doanh, HUST chia sẻ về những khó khăn, hạn chế của sinh viên khối kỹ thuật trong rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Ở góc độ là những người đang theo đuổi khối ngành STEM, Vũ Quỳnh Như - sinh viên K69, khoa Kỹ thuật Nhiệt và Nguyễn Đào Anh Phong, lớp 02 - K68 Ngành Quản trị Kinh doanh, HUST chia sẻ: Sinh viên khối kỹ thuật ở các trường đại học, cao đẳng gặp rất nhiều khó khăn trong việc học ngoại ngữ. Do lịch học dày đặc, sinh viên đã buông lỏng, ít quan tâm đến việc học tiếng Anh, vì vậy hầu hết kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của các bạn bị hạn chế. Cũng do thiếu nền tảng về từ vựng, ngữ pháp, nên khả năng vận dụng ngôn ngữ của sinh viên kỹ thuật yếu, dẫn đến giao tiếp thiếu tự tin, đây là rào cản trong việc tiếp cận nguồn nghe-đọc tiếng Anh.
Theo Quỳnh Như và Anh Phong, hiện sinh viên khối kỹ thuật được đào tạo tiếng Anh trên lớp, ngoài ra các bạn có thể tự học online/offline ở trung tâm hoặc học trên các nền tảng mạng xã hội, sách tiếng Anh. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn còn nhiều hạn chế đối với sinh viên. Cụ thể, sách tiếng Anh phát triển được cả 4 kỹ năng, nhưng đơn điệu trong ngữ cảnh, thiếu những đối thoại học thuật liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo tiếng Anh còn nhiều bất cập: giáo trình khô khan, thiếu hình ảnh hấp dẫn, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, hệ thống học trực tuyến ED online lỗi, ít tương tác, khiến sinh viên nản chí trong việc học ngoại ngữ.
Cam kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao thúc đẩy hội nhập
Nhìn nhận vấn đề đào tạo ngoại ngữ đối với sinh viên các khối kỹ thuật tại HUST còn nhiều bất cập, TS. Trịnh Thị Ánh Hằng - Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ; ThS. Nguyễn Bích Ngọc, lãnh đạo khoa, phụ trách đào tạo, công tác sinh viên đều đưa ra nhận định, các sinh viên HUST có đầu vào rất tốt, các em đều là sinh viên có tố chất thông minh, nắm bắt vấn đề nhanh và chăm chỉ. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành kỹ thuật là khô khan, lịch học dày đặc, thời gian nghiên cứu, thực tập nhiều, nên hầu như các em dành rất ít thời gian cho các việc khác, trong đó có việc trau dồi ngoại ngữ và các kỹ năng giao tiếp.
![]() |
Phiên thảo luận kết thúc thành công, với những giải pháp thiết thực đến từ các chuyên gia, đại biểu khách mời. Qua đó, HUST cam kết nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên kỹ thuật, để đạt lộ trình trở thành đại học đào tạo công nghệ chiến lược hàng đầu châu Á. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Để “cứu vãn” vấn đề này, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra một số giải pháp thiết thực. Theo đó, PGS.TS Phạm Thanh Huyền nhấn mạnh, cần phải tổ chức các cuộc thi Olympic tiếng Anh, thiết kế slide giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, mời giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, cũng như bắt buộc sinh viên phải sử dụng tiếng Anh khi giao tiếp với các thầy cô trong khoa. Điều này sẽ tạo nên một môi trường lý tưởng để sinh viên khối kỹ thuật có thể rèn luyện các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.
Đưa ra quan điểm cởi mở về chuẩn phát âm, theo chuyên gia giáo dục tiếng Anh Nguyễn Huệ Chi, Nhà xuất bản National Geographic Leanin, giải pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp có thể bắt đầu từ việc làm thế nào để sinh viên không còn ngại giao tiếp. Vì vậy, không nên quá khắt khe về chuẩn phát âm. “Tôi là người Việt Nam, tại sao tôi phải nói Tiếng Anh giống như người Mỹ? Tôi nói thế nào miễn cho người nghe hiểu là được. Với quan điểm đó, trong tất cả các giáo trình về phát âm, ngoài những học phần chuẩn Anh-Anh hoặc Anh-Mỹ, đơn vị xuất bản của chúng tôi xây dựng thêm các chương trình nghe nói có phát âm của người ở các quốc gia nói Tiếng Anh, ví dụ như chương trình người Nhật hoặc người Ấn Độ nói Tiếng Anh. Việc quốc tế hóa chương trình học giúp người học tự tin giao tiếp hơn rất nhiều”, bà Chi chia sẻ.
Đồng tình với nhận định của các chuyên gia, giảng viên, đại biểu khách mời, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, Đại học Ngoại ngữ và bà Phùng Thanh Hà - Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Xây Dựng Hà Nội đều ủng hộ giải pháp mở hội thảo tiếng Anh, thông qua liên kết với các viện, trường, doanh nghiệp nước ngoài, để sinh viên có môi trường thực tế để rèn giũa, qua đó, các em có động lực để bứt phá, định hướng tương lai tốt hơn bằng việc đầu tư thời gian nhiều hơn để nâng cao năng lực ngoại ngữ của bản thân.
Cũng trong phiên tọa đàm, những đại biểu khách mời, đồng thời là cựu học sinh khối kỹ thuật thuộc HUST như bà Trần Thúy Nga, Trưởng phòng Marketting, Công ty Cổ phần Techvina và ông Nguyễn Tài Quang Dinh, Công ty Data Cuentist, VPBank đã kể những câu chuyện thực tế góp phần truyền cảm hứng, truyền động lực cho sinh viên khối kỹ thuật trong vấn đề rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời không bỏ lỡ những cơ hội làm việc trong môi trường hiện đại, với tương lai rộng mở khi có vốn ngoại ngữ tốt.
Kết lại buổi tọa đàm, GS. Vũ Văn Yêm cho biết, nhà trường sẽ tiếp thu và thực hiện các giải pháp phù hợp mà các chuyên gia giáo dục, các đại biểu tâm huyết đã đưa ra trong buổi tọa đàm.
Đồng thời, giải pháp thay thế ít nhất 50% slide giảng dạy các môn kỹ thuật bằng 100% ngôn ngữ tiếng Anh, là điều nhà trường đã lên kế hoạch và phải nỗ lực thực hiện trong lộ trình trở thành Đại học nghiên cứu, đào tạo công nghệ chiến lược hàng đầu trong khu vực châu Á và ghi danh vào lĩnh vực đào tạo quốc tế.
“Với tầm nhìn chiến lược, Đại học Bách khoa Hà Nội đang từng bước thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong đào tạo, xây dựng môi trường học tập đa ngôn ngữ, đa văn hóa, và khuyến khích sinh viên chủ động nâng cao năng lực tiếng Anh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây không chỉ là yêu cầu của thời đại, mà còn là cam kết của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có khả năng hội nhập và thích ứng với sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ toàn cầu”, GS. Yêm khẳng định.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Tự động hóa Ngày nay
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/dung-de-mat-co-hoi-nghe-nghiep-va-hoi-nhap-vi-kem-nang-luc-ngoai-ngu-15165.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.