Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn trong nước cần khoảng 10.000 kỹ sư, trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu khoảng 80%. Đây là rào cản của ngành nghề, nhưng lại là cơ hội cho các trường đại học.
Theo đó, nhiều trường đại học trong nước đồng loạt mở các chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Có thể kể đến các khóa đào tạo vi mạch bán dẫn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội,…
![]() |
Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đòi hỏi chất lượng đầu vào cao, quy mô đào tạo hiện đại, bài bản (Ảnh: Internet) |
Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến mở các khóa đào tạo về công nghệ vi mạch bán dẫn. Tương tự, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mở ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Đại học Tôn Đức Thắng mở chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.
Ba trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự định mở chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Ở trường Đại học Công nghệ, ba trong bốn chuyên ngành dự kiến mở mới đều liên quan công nghiệp bán dẫn là Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử).
Trường Đại học Việt Nhật cũng đang nghiên cứu mở chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển 100 sinh viên cho năm 2025. Còn trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự định mở chương trình Công nghệ bán dẫn.
![]() |
Thị trường đang thiếu hụt khoảng 80% kỹ sư tay nghề cao ngành công nghệ vi mạch bán dẫn (Ảnh: Internet) |
Trước đó, năm 2024, hàng loạt trường đại học như Bách khoa Hà Nội và Đà Nẵng, FPT, Phenikaa,... cũng đã mở chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn.
Việc mở chương trình đào tạo chuyên ngành liên quan vi mạch bán dẫn nhằm đón đầu nhu cầu nhân lực. PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, dự kiến đến năm 2030, đơn vị này sẽ đào tạo khoảng 20.000 trong số 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, theo chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Chính phủ.
Trong đề án mở, Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, Vật lý là cơ sở cho các ngành như bán dẫn, vật liệu mới, đòi hỏi đào tạo bài bản và ứng dụng thực tiễn. Việc phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là chủ trương của nhà nước. Vì vậy, trường quyết định mở các chương trình đào tạo chuyên ngành này.
Tuy nhiên, đại diện một số trường đại học khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực tay nghề cao. Trong khi đó, sinh viên các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học ở Việt Nam hiện còn ít (chiếm 30% tổng số sinh viên), và thực tế cũng cho thấy, công nghệ vi mạch bán dẫn đòi hỏi yêu cầu đầu vào rất cao và không phải trường đại học nào cũng đào tạo được, cho nên ngành này sẽ luôn là ngành hấp dẫn và có đầu ra tốt.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 23/8/2024 về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, biểu dương các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn, doanh nghiệp trong thời gian qua đã chủ động, tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao như: chế biến, chế tạo vi mạch bán dẫn, sinh học, vật liệu mới… Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn,…) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. |